05/07/2022 - 16:15

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch COVID-19 

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 lần thứ 15 vào sáng 5-7. Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh xuất hiện biến thể phụ BA.5, sự bùng phát dịch trở lại ở một số nước và tỷ lệ tiêm chủng mũi 3, mũi 4 còn thấp… cần nâng cao ý thức, chủ động phòng dịch.

Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ... dự họp trực tuyến tại điểm cầu Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

* Nguy cơ ca mắc tăng do biến thể BA.5

Tính đến ngày 4-7-2022, tổng số ca mắc trên thế giới vượt 554 triệu ca, trên 6,3 triệu ca tử vong. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện biến thể BA.5. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vaccine hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả biến thể virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể BA.5.

Tại Việt Nam, từ 15-3-2022 đến nay, cả nước ghi nhận trên 4,3 triệu ca mắc, có 1.610 ca tử vong. Tỷ lệ chết/mắc là 0,04%, giảm mạnh so với 3,5 tháng trước đó là 0,25%. Trong 30 ngày qua, số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước. Có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong...

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Đến hết ngày 3-7-2022, Việt Nam đã tiêm được 233 triệu liều vaccine. Nhóm từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ lần lượt là 100%, 100%, 67,6% và 31,1%. Trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%. Trẻ em từ 5-11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,6%. Hiện vaccine còn tồn trên 33 triệu liều, trong đó khoảng 2 triệu liều vaccine mua, còn lại 31 triệu liều là viện trợ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện còn chậm; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhiều nơi đã ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, khám chữa bệnh… Nguyên nhân do người dân chủ quan, lơ là, né tránh tiêm vaccine do đã mắc bệnh, bệnh nhẹ nên không muốn tiêm vaccine. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do ảnh hưởng dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm; doanh nghiệp ngại cung ứng hàng hóa cho đơn vị y tế công do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn; đơn vị y tế lúng túng, e ngại đấu thầu…

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia và đã xuất hiện ở Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Số ca mắc có thể tăng trong thời gian tới. Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Bộ Y tế đề nghị sử dụng thông điệp vaccine - khẩu trang - khử khuẩn (gọi tắt là V2K) thay cho thông điệp 5K.

* Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất

Tại hội nghị, các đại biểu bàn bạc giải pháp tăng tỷ lệ tiêm vaccine, giải pháp cho nhân viên y tế, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với COVID-19 vì không có người dân nào an toàn khi người dân khác đang mắc COVID-19, không quốc gia nào an toàn, khi quốc gia khác đang chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh: "Trên thực tế, chúng ta vẫn đang chống dịch. Thực tiễn chống dịch thời gian qua cho thấy, vaccine là vũ khí quan trọng nhất, kiềm chế lây lan, chuyển nặng và tử vong. Tuy nhiên, hiện nay tiêm vaccine chưa đạt yêu cầu theo chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Tiêm chậm, nguyên nhân chính do lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền chưa tương xứng, cộng thêm ý thức một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác".

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tiêm ngừa cho người dân. Ảnh: H.HOA

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, sắp tới, mục tiêu cao nhất vẫn là tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại. Dịch có được kiểm soát thì kinh tế mới phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân… Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Chống dịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục giữ 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly và vaccine. Thay đổi 5K thành 2K (khử khuẩn - khẩu trang). Bộ Y tế hướng dẫn V2K cụ thể, nhất là đeo khẩu trang.

Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; đảm bảo thuốc, vật tư y tế... Bộ Y tế thần tốc triển khai kết luận, thông báo của Chính phủ, hoàn thành hồ sơ, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư y tế để sớm ban hành. Giảm bớt thủ tục hành chính; công khai, minh bạch giá thuốc, sinh phẩm. Bộ Y tế đánh giá miễn dịch cộng đồng với SARS-CoV-2 và các bệnh dịch khác, từ đó có cơ sở khoa học và giải pháp phù hợp. 

Trong 14 ngày qua, Cần Thơ có 3 ca mắc COVID-19

Tại Cần Thơ, từ 20/6-3/7/2022, thành phố ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19 và không có ca tử vong. Từ ngày 1-1-2022 đến 3-7-2022, ghi nhận 8.410 ca mắc, có 369 ca tử vong. Lũy tích từ đầu dịch (năm 2020) đến nay, thành phố ghi nhận 58.546 ca mắc, tử vong 909 ca.

Tính đến ngày 4-7-2022, Cần Thơ được phân bổ trên 3,2 triệu liều vaccine, đã tổ chức tiêm trên 3,16 triệu liều. Tỷ lệ tiêm cho người trên 18 tuổi trở lên mũi 1, 2, 3 tương ứng 98,9%, 99,17%, 87,4% và mũi 4 trên 103.000 người. Trẻ em 12-17 tuổi mũi 1, 2 tương ứng 100% và 95,4%. Tỷ lệ trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1, 2 tương ứng 79,2% và 60,7%.

 Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết