18/06/2022 - 17:59

Khơi thông “long mạch” miền châu thổ 

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, là 1 trong 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia được ví như “long mạch” miền châu thổ.

Tăng tốc cao tốc miền Tây

Hệ thống cao tốc ở miền Tây.

Hệ thống cao tốc ở miền Tây.

Giao thông là mạch máu nền kinh tế, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng, cũng chính là “long mạch” của miền Tây. Phát triển hạ tầng giao thông là mệnh lệnh phát triển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, cho đến nay, kể cả đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đưa vào sử dụng, thì vùng này cũng chỉ có 91/1.239km đường cao tốc, chiếm 7% đường cao tốc của cả nước.

Việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với miền Tây. “New highway” của đồng bằng với tổng chiều dài hơn 188km đi qua 4 địa phương: An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Cùng với trục dọc cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - TP Cần Thơ và quốc lộ 1, kết nối 2 đô thị “điểm nút liên vùng” là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, đại lộ này tạo thành trục ngang chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan  trọng, tháo các điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới, tạo xung lực mới, không chỉ cho các địa phương nơi dự án đi qua mà còn có tác động cho cả vùng và tầm quốc gia.

Trục ngang chiến lược này không chỉ kết nối các chuỗi đô thị lớn trong vùng là TP Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng mà còn tạo ra một không gian phát triển mới; liên kết các tiểu vùng thuộc Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, kết nối với Cảng biển Trần Đề được đưa vào quy hoạch phát triển mới thành cảng nước sâu trọng điểm của vùng, đánh thức tiềm năng kinh tế biển ĐBSCL và mở rộng “cánh cửa” biên giới Tây Nam.

Làm mới trên cao tốc mới

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cùng với 2 tuyến đường bộ cao tốc phía Nam khác là Đồng Nai - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, trị giá hơn 84.000 tỉ đồng, được Quốc hội thông qua. Trong 5 năm tới, Trung ương sẽ đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL. Hàng loạt công trình cầu, đường đang thi công, chuẩn bị khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ hòa nhịp cùng cao tốc miền Tây.

Điểm mới trong dự kiến bố trí nguồn vốn là sử dụng đa dạng các nguồn, xác định ngân sách Trung ương và địa phương rõ ràng. Tiền đầu tư vào các dự án giao thông mang tính “mở đường”, có khả năng tạo ra vốn mới từ khai thác quỹ đất, các cụm đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, thúc đẩy thương mại và dịch vụ dọc các tuyến cao tốc đi qua.

Theo đó, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương, HĐND các địa phương nơi có dự án đi qua đã quyết nghị, cam kết trách nhiệm đóng góp cho dự án bằng ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. TP Cần Thơ và 3 tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, nơi cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua, mặc dù chưa tự cân đối được thu - chi, nhưng cũng cam kết góp hơn 4.200 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư dự án cao tốc huyết mạch này của đồng bằng.   

Tuy nhiên, do các dự án giao thông trọng điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn, triển khai tập trung trong thời gian ngắn, diễn ra trên địa bàn rộng, liên quan giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, đời sống người dân. Trong khi vật giá, đặc biệt là vật tư, xăng dầu tăng đột biến, có thể đẩy tổng mức đầu tư dự kiến được lập trước đó lên cao. Đặc biệt, độ trễ chính sách, năng lực hấp thu vốn, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm và cơ chế mới khi triển khai các dự án trọng điểm, đòi hỏi tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương.

Phấn khởi trong hiện tại, kỳ vọng ở tương lai, nhưng phải tránh chuyện không vui cũ lặp lại. Bài học cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kéo dài 13 năm, có 3 lần thay đổi chủ đầu tư, nguồn vốn… mới hoàn thành. Tương tự là sự chậm trễ của cao tốc Bến Lức - Long Thành, sau nhiều năm khởi công, nay vẫn chưa xong. Trong khi thời gian tới cả nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường cao tốc giai đoạn mới, càng trở nên thách thức. Hơn 4 năm tới, cả nước phấn đấu hoàn thành 2.000km cao tốc, gấp 2 lần so với mấy mươi năm phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Làm mới trên các công trình giao thông mới, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia, đòi hỏi phải giải bài toán về vốn, phân kỳ đầu tư hợp lý và tuân thủ kỷ luật, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống quy hoạch của quốc gia, vùng và địa phương; hình thức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn; năng lực của địa phương, các cơ chế chính sách đặc thù triển khai dự án, tiến độ hoàn thành; trách nhiệm tổ chức thực hiện của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và các địa phương có dự án đi qua... nhằm bảo đảm tính khả thi về cân đối nguồn vốn và tổ chức triển khai dự án, hiệu quả cao nhất; khắc phục tình trạng quyết định đầu tư nhanh nhưng triển khai chậm, kéo dài, gây lãng phí.

Kỳ vọng về một diện mạo mới cho giao thông miền Tây, nhưng cần nhận diện và vượt qua các thách thức, vừa giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn vừa có cách tiếp cận mới. Việc phát triển cao tốc, đường giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương; yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình mới thật sự khơi thông “long mạch” như kỳ vọng của người dân đồng bằng.

Bài, ảnh: TRẦN HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết