11/09/2012 - 14:36

ĐÀO TẠO BÓNG ĐÁ TRẺ AN GIANG

Khởi sự lại từ đầu

Các cầu thủ An Giang thi đấu nỗ lực trong mùa giải vừa qua, nhưng chỉ xếp thứ 9 trên bảng xếp hạng giải hạng Nhất quốc gia. Ảnh: Minh Thảo 

Từ khi rớt khỏi hàng ngũ các đội mạnh năm 1997, bóng đá An Giang vẫn chưa thể trở lại làng cầu đỉnh cao Việt Nam. Mùa bóng 2012 kết thúc cũng là mùa giải thứ 15 An Giang thi đấu ở giải hạng Nhất. Nhiều phương án đã được lãnh đạo ngành thể thao An Giang đưa ra, trong đó có sự ra đời của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ An Giang như là một giải pháp căn cơ để trở lại V-League.

Những năm đầu thập niên 1990, bóng đá An Giang phát triển rất mạnh, nhưng thiếu hệ thống đào tạo trẻ kế thừa. Lực lượng dần bị hụt hẫng và tới năm 1997, bóng đá An Giang bắt đầu thụt lùi. Tiếp đó, khó khăn về nguồn tài chính đã khiến các tuyến đào tạo bị ngắt quãng, manh mún. Đến năm 2003, An Giang mới thành lập được CLB bóng đá quản lý tập trung toàn bộ các tuyến đào tạo. Năm 2005 là bước ngoặt xã hội hóa của bóng đá An Giang khi có sự tham gia tài trợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp chỉ đầu tư vào đội tuyển, còn tuyến trẻ và năng khiếu được chuyển về cho Trung tâm huấn luyện - thi đấu các đội tuyển và Trường năng khiếu. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo ngành thể thao An Giang đã tham mưu với tỉnh về việc thành lập trung tâm bóng đá, chuyên đào tạo các tuyến năng khiếu và trẻ, làm nguồn bổ sung cho đội tuyển. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ An Giang chính thức được thành lập ngày 9-11-2010.

Đầu tiên, ban giám đốc trung tâm bắt tay vào công tác tuyển sinh các tuyến lứa tuổi từ U-13 tới U-19. Còn tuyến từ U-12 trở xuống được chuyển về các trung tâm huyện với sự hỗ trợ của Sở VH TT & DL. HLV đội bóng đá An Giang Nhan Thiện Nhân kiêm luôn giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ An Giang. Công tác tuyển chọn ở các tuyến dưới rất được chú trọng. Trung tâm không tuyển chọn theo cách phân bổ khu vực trọng tâm, trọng điểm ở tuyến huyện vì dễ gây ra sự so bì giữa các địa phương trong tỉnh. Thay vào đó, Trung tâm phân bổ nguồn kinh phí thường xuyên cho các cộng tác viên ở 11 huyện, thị trong tỉnh An Giang để tuyển vận động viên năng khiếu. Một khi cộng tác viên giới thiệu được tài năng cho Trung tâm, thì sẽ được hưởng phần thưởng tương xứng. Theo HLV Nhan Thiện Nhân, việc làm này sẽ giúp các cộng tác viên ở tuyến huyện tích cực trong công tác, mà địa bàn tuyển chọn vận động viên cũng bao quát hơn.

Trung tâm chủ yếu là đào tạo tài năng bóng đá, bổ sung cho tuyển, chứ không xây dựng các tuyến trẻ để nhắm vào các giải U. Trong từng giai đoạn cụ thể, Trung tâm sẽ đào tạo cầu thủ theo đơn đặt hàng của CLB bóng đá Hùng Vương An Giang. Hiện tại, với nguồn kinh phí hàng năm khoảng 6 tỉ đồng, Trung tâm tuyển cơ bản đủ 4 tuyến U-13, U-15, U-17 và U-19. Sau thời gian luyện tập, cầu thủ nào phát triển đạt tiêu chuẩn thì lên tuyến U-21, không đạt chuẩn thì được chuyển nhượng hoặc cho tốt nghiệp.

Vấn đề học văn hóa của các vận động viên được Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ An Giang giải quyết khá ổn. Trung tâm phối hợp với Trường Năng khiếu và các trường phổ thông trong tỉnh tổ chức giảng dạy theo hệ chính qui cho các vận động viên. Cụ thể, các em sẽ học văn hóa buổi sáng, tập luyện vào buổi chiều. Khi bước vào thi đấu giải, các em sẽ được cho nghỉ học văn hóa, khi về sẽ học phụ đạo thêm.

Bên cạnh công tác tuyển chọn tài năng bóng đá, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ An Giang còn quản lý Ban trọng tài, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài cho các giải bóng đá quốc gia.

Nguyễn Minh

Chia sẻ bài viết