12/06/2020 - 09:52

Khôi phục sản xuất, kinh doanh, khai thác tốt thời cơ mới 

Mới đây, tại phiên họp thường kỳ UBND TP Cần Thơ tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, đồng chí Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố, nhấn mạnh: Tháng 6-2020,  tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, đó là tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới kết hợp huy động mọi nguồn lực thực hiện kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) năm 2020; tận dụng các chính sách ưu đãi của Chính phủ để ứng dụng, thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch…

Các điểm kinh doanh, mua sắm trên địa bàn TP Cần Thơ khôi phục và bắt đầu đông khách trở lại. Trong ảnh: Khách hàng mua hàng tại Siêu thị mini Hiếu Linh (huyện Phong Điền).

►Nỗ lực vượt khó

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thực hiện chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, khẩn trương hồi phục, phát triển kinh tế của Chính phủ, tháng 5-2020, các hoạt động KT-XH, sản xuất, kinh doanh của TP Cần Thơ đã trở lại với mức tăng cao so với tháng 4-2020. Điều đó cho thấy dấu hiệu hồi phục sản xuất, kinh doanh... Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: "Trong tháng 5, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020. Đặc biệt, sau giãn cách xã hội, kinh tế thành phố đang có những tín hiệu tăng trưởng trở lại, đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân dần đi vào ổn định. Các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, thu- chi ngân sách nhà nước, tín dụng ngân hàng có tăng, tuy mức tăng không cao so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng, đó là dấu hiệu phát triển khả quan cho những tháng tiếp theo".

Tháng 5 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước thực hiện tăng 6,55% so với tháng trước, bằng 91,77% tháng 5-2019. Lũy kế 5 tháng, IIP bằng 98,99% so với cùng kỳ 2019. Một số mặt hàng thực phẩm chủ lực của thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng khá:  gạo xay xát tăng 9,87%, xi măng tăng 48,41%, điện thương phẩm tăng 2,19%, nước sinh hoạt tăng 3,84%. Bên cạnh đó, do một số khó khăn chung về thị trường xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, sản xuất một số mặt chưa kịp hồi phục, giảm so với cùng kỳ. Đối với lĩnh vực thương mại- dịch vụ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã hoạt động lại bình thường. Tháng 5 ước doanh thu đạt trên 10.101 tỉ đồng, tăng 17,46% so với tháng 4-2020, nhưng giảm 7,69% so tháng 5-2019. Lũy kế 5 tháng, ước thực hiện 53.126,7 tỉ đồng, đạt 35,4% kế hoạch, giảm 5,14% so cùng kỳ 2019. Lúa hè thu 2020 xuống giống được 74.834ha và đã thu hoạch 449ha, năng suất ước đạt 5,97 tấn/ha (tương đương so với cùng kỳ 2019). Các hoạt động khác: tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 5.374,502 tỉ đồng, đạt 30,31% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 6,91% so với cùng kỳ; tổ chức cho học sinh đi học trở lại và phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn, an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học…

 Công tác quản lý nhà nước về các hoạt động kinh tế, xã hội nhất là về đô thị, tài nguyên, môi trường, an ninh trật tự chuyển biến tốt, hiệu quả hơn. Chính sách hỗ trợ người nghèo, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo triển khai tích cực, hiệu quả, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

►Phấn đấu thực hiện  đạt chỉ tiêu

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, 5 tháng đầu năm 2020, TP Cần Thơ còn gặp nhiếu khó khăn, hạn chế. Hoạt động sản xuất công nghiệp chậm lại, hàng tồn kho sản phẩm công nghiệp còn cao; hoạt động xuất, nhập khẩu chưa trở lại bình thường, khả năng tiêu thụ hàng nông, thủy sản cũng như nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất còn vướng mắc; các loại hình dịch vụ tuy hoạt động trở lại nhưng thu hút người tham gia còn rất hạn chế; chưa thu hút đầu tư các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, chưa triển khai được các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư; thu hút khách du lịch và tổ chức sự kiện còn khó khăn. Đặc biệt, tình hình giải ngân các nguồn vốn đầu tư công qua 5 tháng đầu năm tiếp tục đạt thấp so với yêu cầu, rất đáng lo ngại, nhất là vốn các năm trước chuyển sang giải ngân năm 2020 còn lớn; tỷ lệ thu ngân sách so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước sụt giảm dần…

Từ những hạn chế trên, thành phố đề ra kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới: tập trung thực hiện Kế hoạch số 7/KH-UBND ngày 15-1-2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp tại Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, song song đó cùng với doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động bị mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố sẽ có kế hoạch và hành động cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công từ các năm trước chuyển sang và vốn bố trí của năm 2020; giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, đồng thời kiên quyết xử lý đối với chủ đầu tư dự án, công trình không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, không giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí năm 2020; theo dõi, giám sát diễn biến khô hạn, mưa bão trên địa bàn, từ đó chủ động đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp; chủ động kiểm tra, có biện pháp phòng ngừa lốc xoáy, sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng, sản xuất, kinh doanh của người dân trong mùa mưa bão…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết