16/10/2024 - 08:48

Khởi nghiệp từ trà cỏ ngọt 

Trồng và thuần dưỡng cây cỏ ngọt (cỏ mật) trên diện tích 6 công đất để làm trà, chị Trương Thị Hồng Phượng (46 tuổi, ngụ ấp An Khương, xã Định Yến, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) có thu nhập trên 25 triệu đồng mỗi tháng.

Từ thực tế điều trị bệnh cho bệnh nhân của mình chị Phượng đã sử dụng trà cỏ ngọt để hỗ trợ điều trị.

Vốn là bác sĩ y học cổ truyền đang công tác tại Hội Chữ thập đỏ huyện Lấp Vò, chị Phượng có niềm đam mê đặc biệt với các loại cây dược liệu. Tháng 12-2018, khi biết đến cây cây cỏ ngọt là loại thuốc quý điều trị bệnh tiểu đường và giảm béo nên chị sử dụng để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân của mình.

Để tiện sử dụng, chị nghiên cứu làm thành trà túi lọc và nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp bởi hiệu quả hỗ trợ người bệnh rất tốt. "Sau 6 tháng sử dụng trà cỏ ngọt điều trị bệnh nhân của mình, tôi nhận thấy đường huyết của bệnh nhân ổn định, hỗ trợ điều trị tiểu đường rất hiệu quả. Thế là tôi quyết định đầu tư mua cây giống về trồng để sản xuất đại trà", chị Phượng cho biết.

Ngoài trồng cỏ ngọt trên diện tích 2 công đất vườn nhà, chị còn liên kết với các hộ dân ở Đồng Tháp để trồng thêm trên diện tích 4 công đất để chủ động nguồn nguyên liệu. Để thuần hóa loại cây trồng rất khó, bởi cây chỉ phát triển tốt ở vùng khí hậu lạnh dưới 250C.

Khi đem về vùng khí hậu nóng ở Đồng Tháp, cây thường có dấu hiệu "rũ" sinh lý. Để thuần hóa, cây giống được chị trồng trong nhà kính khoảng 6 tháng, tập cây thích nghi dần rồi mới đem ra trồng bên  ngoài để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Sản phẩm trà cỏ ngọt do chị Phượng sản xuất.

Cây trồng khoảng 3 tháng có thể cho thu hoạch. Hiện mỗi tháng, chị Phượng thu hoạch khoảng 2 tấn lá tươi, mỗi tấn chỉ làm ra được 100kg trà. Quy trình sản xuất đảm bảo nghiêm ngặt và an toàn vệ sinh như thu hoạch lá, loại bỏ lá úa, sâu, sơ chế, phơi khô, sấy, nghiền, sao trà, đóng gói.

Theo chị Phượng, cứ 10 gram cỏ ngọt sẽ có độ ngọt gấp 30 gram đường mía. Đây là loại đường tự nhiên, không sản sinh năng lượng nên làm chậm quá trình sản xuất insulin, giúp đường huyết ổn định. Công dụng giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, giảm mỡ máu, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan…

"Với hàm lượng đường nhiều hơn gấp nhiều lần so với đường mía, tuy nhiên sẽ không làm tăng lượng đường trong cơ thể đối với người sử dụng. Thành phần của cỏ ngọt sẽ thúc đẩy sự giải phóng insulin của tuyến tụy, tăng khả năng nhạy cảm của insulin với cơ thể và làm gan chậm sản xuất glucose. Chính vì vậy, việc sử dụng cỏ ngọt thay thế đường đối với những người bị bệnh tiểu đường sẽ giúp lượng đường trong máu giảm đi đáng kể, từ đó giúp ổn định lượng đường và tránh được những nguy hiểm do bệnh gây nên. Bên cạnh đó, cỏ ngọt còn là vị dược liệu hữu ích được các thầy thuốc đông y dùng để trung hòa các vị thuốc đắng, giúp người bệnh uống thuốc được tốt hơn", chị Phượng chia sẻ.

Hiện chị Phượng bán 2 sản phẩm gồm trà cỏ ngọt lá giá 400.000 đồng/kg và trà túi lọc giá bán 50.000 đồng/hộp. Sản phẩm trà cỏ ngọt đóng túi zipper hút chân không với thương hiệu Khang Thịnh của bác sĩ Trương Thị Hồng Phượng đã được Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp phân tích đạt tiêu chuẩn theo QCVN 8-2:2011 (Quyết định 46/2007/QĐ-BYT).

Hiện sản phẩm có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhờ đó đem lại thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng. Không chỉ dừng lại với sản phẩm trà cỏ ngọt, chị Phượng còn nghiên cứu và phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới như trà bồ công anh, trà đậu đen xanh lòng, trà mãng cầu…

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết