15/04/2024 - 11:07

Khởi nghiệp từ mật ong rừng Trà Sư 

Chọn khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa, chị Bùi Thị Anh Thư (34 tuổi) cùng chị Ðặng Phạm Mạnh Quỳnh (41 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã tận dụng diện tích đất nhà ở ấp Vĩnh Ðông (xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nuôi ong để tạo dựng thương hiệu "Mật ong Trà Sư Honey".

Chị Thư giới thiệu sản phẩm mật ong rừng tràm Trà Sư.

Nhận thấy nguồn tài nguyên bản địa dồi dào, vùng rừng tràm bạt ngàn ở Trà Sư, hai chị đã quyết định khởi nghiệp nuôi ong lấy mật. Sau khi tìm hiểu thị trường, năm 2020, hai chị cùng nhau nuôi ong và tạo ra sản phẩm đặc trưng "Mật ong Trà Sư Honey". "Chị Quỳnh là người từng sống và công tác ở rừng Trà Sư trong nhiều năm nên chị nhận biết được mật ong nào là chất lượng, biết được nguồn nguyên liệu phấn hoa sạch từ tài nguyên rừng tràm. Tôi là cộng sự và chị em thân thiết nên cả 2 ấp ủ làm một sản phẩm chung, một kế hoạch dài hơi hình thành. Từ đó, cả 2 nhận ra nhiều ưu điểm của mật ong rừng tràm Trà Sư nên bắt tay nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn, đồng thời tìm hiểu thêm thị trường... Ở An Giang chưa có nhiều sản phẩm mật ong được phát triển thương hiệu chuyên nghiệp mà gắn liền với vùng đất này, từ đó thương hiệu Mật ong Trà Sư Honey ra đời", chị Thư chia sẻ.

Thời điểm mới khởi nghiệp, cả 2 gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, chi phí đầu tư mỗi thùng ong khá cao lên đến 1,5 triệu đồng… Cố gắng vượt qua khó khăn, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, cả 2 đạt được thành công khi đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng. Ðiều thuận lợi là sản phẩm ra đời ngay thời điểm tỉnh An Giang đang đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm OCOP, nên Trà Sư Honey cũng được hòa chung trong dòng chảy này, có điều kiện phát triển và chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ từ Trung tâm xúc tiến thương mại, anh chị em Hội Nông dân và Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang giúp đỡ, tạo mọi cơ hội để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn. Với lợi thế rừng tràm bạt ngàn, đàn ong có nguồn thức ăn ổn định, khỏe mạnh, cho mật nhiều, chất lượng tốt, lại an toàn thực phẩm…

Quy trình sản xuất bắt đầu từ việc mua con giống chất lượng, xây dựng trang trại ở vị trí thuận lợi để ong bay đi lấy mật... Mật ong sau khi thu hoạch sẽ đưa vào máy quay li tâm để tách mật ra khỏi sáp ong và lược mật qua lưới lọc. Lọc sạch tạp chất, mật ong được cho vào can hoặc thùng inox lớn để lắng lại. Sau đó tầm 3-7 ngày mật ong trong veo màu đẹp thì cho vào chai thủy tinh, đóng gói thành phẩm, với giá bán 450.000 đồng/lít. Hiện, trang trại của 2 chị có trên 100 thùng nuôi ong với diện tích 500m2, mỗi tháng xuất bán khoảng 100-150 lít mật, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Sản phẩm mật ong đặc trưng mùi hoa tràm của nhóm chị Thư không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, không kháng sinh, không tạp chất nên được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Mật ong Trà Sư Honey đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh An Giang. Hiện tại, mật ong đang được bán rộng rãi ở các sàn thương mại điện tử và trên mạng xã hội. Ðể mở rộng thị trường, hai chị đang tích cực mang sản phẩm tham gia nhiều hoạt động tại các hội chợ, chương trình giao lưu, quảng bá sản phẩm trong tỉnh...

Vừa qua, dự án "Trà Sư Honey" với sản phẩm mật ong Trà Sư của chị Thư và chị Quỳnh đã đạt giải Nhì cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ 7 năm 2023". Chị Trương Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang cho biết, mô hình khởi nghiệp với sản phẩm mật ong Trà Sư của Thư và Quỳnh có nhiều tiềm năng. Mô hình cũng được trung tâm trao vốn khởi nghiệp 80 triệu đồng, giúp mở rộng mô hình.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết