06/01/2020 - 11:42

Khởi nghiệp từ 50.000 đồng 

Sự đam mê, bàn tay khéo léo cùng óc tưởng tượng phong phú, anh Huỳnh Chí Cường (ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang) đã biến những sợi dây đồng thành những cây bonsai độc đáo. Anh cũng dự định dạy nghề này cho người khuyết tật với mong muốn giúp họ có nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân.

Tay ngang bước vào nghệ thuật

Căn nhà nhỏ của anh Cường ở ấp Bình Chánh như một xưởng thu nhỏ với dây đồng các loại, dụng cụ và những tác phẩm bonsai đang làm dở dang. Dừng tay, anh Cường kể anh từng làm rất nhiều việc: sửa xe máy, điện thoại, lái xe tải, thợ cơ khí… nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Khoảng năm 2017, khi đưa người thân đi khám bệnh, tình cờ thấy cây quất tài lộc làm bằng nhựa được chưng tại bệnh viện, anh nảy sinh ý định làm thủ công một cây để tặng người quen và sự nghiệp bắt đầu từ đó.

Anh Huỳnh Chí Cường chăm chút từng sản phẩm sáng tạo của mình.

Anh Huỳnh Chí Cường chăm chút từng sản phẩm sáng tạo của mình.

“Lúc đầu tôi nghiên cứu làm theo bằng dây chì rồi chụp ảnh đăng trên mạng xã hội chơi thôi nhưng nhiều người thấy thích nên đặt làm. Sau đó, tôi thấy dây chì mau sét nên chuyển sang làm bằng dây đồng. Và rồi đam mê. Lúc đó, muốn làm thêm nhiều mẫu mã đẹp, tôi lên mạng tìm hiểu nhưng thấy người ta chỉ làm bằng hạt cườm, không ai làm bằng dây đồng. Tôi phải tự mài mò”- anh Cường chia sẻ.

Nhìn lại “thành tựu” với hàng chục cây bonsai đa dạng hình dáng được trưng bày ở một góc nhỏ trong nhà, anh Cường cho biết lúc bắt đầu anh chỉ có 50.000 đồng để mua dây đồng. “Lúc đó, người thân nói làm cái này ai mà mua, sao kiếm ra tiền. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Chậu đầu tiên hoàn thành, bán 250.000 đồng đã tiếp thêm động lực cũng như giúp tôi có tiền mua nguyên liệu làm chậu tiếp theo và bán được 700.000 đồng. Từ đó đi lên, nhờ vậy 2 - 3 năm nay, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước”- anh Cường nói.

Cứ như thế, ngày càng có nhiều người đặt hàng giúp anh Cường bám trụ được với nghề. Đặc biệt, trong đó có nhiều khách nước ngoài rất thích sản phẩm của anh bởi sự tinh xảo và giàu tính sáng tạo. Anh Cường cho biết: “Nhiều người ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đặt tôi mấy chục cây nhưng do làm một mình, không có người phụ giúp nên làm ra không đủ cung cấp. Ngoài ra còn có nhiều nơi bán quà lưu niệm đặt hàng để bán lại”.

Theo anh Cường, làm bonsai dây đồng không đòi hỏi sức vóc, công việc nhẹ nhàng, đơn giản nhưng phải kiên trì và sáng tạo. Ai muốn làm công việc này chỉ cần trang bị 3 món đồ nghề coi như là đủ, đó là: 1 cây kéo, 1 chiếc kềm và 1 thanh sắt nhỏ dài khoảng 15cm. Bấy nhiêu đã có thể tạo nên tất cả các sản phẩm bonsai kiểu dáng độc đáo. Ngoài nguyên liệu chính, anh Cường còn tận dụng gỗ, đá vụn hoặc những vật dụng bị vỡ như bình trà, bình hoa... để “hô biến” cây bonsai của mình trở nên đặc sắc hơn. “Thấy thì thấy vậy chứ ai mà không kiên trì thì không làm nổi đâu. Với bon sai, công đoạn khó nhất là phải ra dáng, thế cây để tạo nên cái hồn của sản phẩm. Lúc này, sự sáng tạo giữ vai trò quyết định, bởi nó sẽ tạo ra những cây đẹp và có thần”- anh Cường nhấn mạnh.

Quyết tâm dạy nghề cho người khuyết tật

Với mức giá dao động từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng cho một sản phẩm, tùy kích cỡ, thu nhập của anh Cường khá ổn định. Cây nhỏ trị giá khoảng 600.000 đồng, làm khoảng 6 giờ là xong; cây lớn, thời gian làm lâu hơn, giá trị cũng cao hơn. Đặc biệt, tùy theo mục đích của người sử dụng hoặc người tặng, anh Cường sẽ tạo hình và xây dựng ý tưởng cho phù hợp. “Ví dụ như khách cần tặng cho người lớn tuổi thì mình tạo dáng trang nhã, phù hợp thẩm mỹ người lớn tuổi. Còn khách mong muốn chưng trên bàn làm việc để cảm nhận được sự thanh tịnh, yên bình, tôi thiết kế cây bonsai màu tím, bên dưới có tượng chú tiểu bịt chặt 2 tai lại. Tất cả đều thể hiện tinh thần và mong muốn của khách đặt hàng” - anh Cường vừa cầm chậu bonsai vừa thuyết minh.

Khi cuộc sống dần ổn định, anh Cường lại thấy trách nhiệm của mình với xã hội. Bởi xung quanh anh còn đó rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của những người yếm thế, trẻ em khuyết tật. Và ở trong họ như phảng phất hình bóng của anh trong lúc ngặt nghèo nhất. Bởi cơn sốt bại liệt hơn 20 năm trước suýt chút nữa đã cướp mất của anh đôi chân. Nhờ sự động viên, cổ vũ, giúp đỡ của người thân mà anh có thể đi đứng bình thường. “Nếu hồi đó không nhờ mẹ thì có thể bây giờ tôi đã là một người khuyết tật nên tôi hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của họ” - anh Cường chia sẻ.

Chính những mảnh đời này thôi thúc anh mở một cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật. Anh tin tưởng nghề này hoàn toàn phù hợp với người khuyết tật, nếu họ kiên trì theo đuổi, chắc chắn sẽ có cuộc sống ổn định, bản thân có thể tự lập về kinh tế. Ước mơ này của anh sắp thành hiện thực khi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Theo anh Cường, hình thức thực hiện là ưu tiên dạy nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật, người yếm thế. Một thời gian sau, khi họ có tay nghề vững, sản phẩm làm ra, anh sẽ thu mua lại. Cứ như thế, nếu người nào có năng lực có thể mở cơ sở ra kinh doanh riêng hoặc mở lớp dạy nghề cho các bạn khuyết tật khác. Với công việc này, khi làm được nghề, mỗi người sẽ có thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày, nếu cứng nghề hơn có thể thu nhập lên đến 500.000 đồng/ngày.  “Nghề này không cần đôi chân, chỉ cần đôi tay, óc sáng tạo và tư duy tốt. Thế mạnh của nghề này là không cần vốn nhiều, chỉ khoảng 200.000 đồng mua các dụng cụ là hành nghề được” - anh Cường tự tin nói.

Với ý tưởng “Nghệ thuật tạo hình bon-sai bằng dây đồng”, anh Huỳnh Chí Cường đạt giải nhất tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần III - 2019, do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang (Tỉnh đoàn An Giang) phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức. Đồng thời, đạt giải Khuyến khích Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết