13/12/2018 - 20:11

Khởi nghiệp cần trải nghiệm 

Phong trào khởi nghiệp đã và đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ, từ học sinh-sinh viên, công chức, viên chức đến thanh niên trên địa bàn dân cư. Tuy nhiên, do làm theo phong trào, cảm hứng, nhất là chưa chuẩn bị tâm thế, chưa có nhiều kinh nghiệm nên một số bạn trẻ đã thất bại ngay từ những ngày đầu khởi sự kinh doanh.

Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bến Tre giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp từ dừa đến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc 2018 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Điển hình như anh P. (quê ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) là nhân viên văn phòng, công việc văn thư vốn khá nhàm chán nên anh muốn đầu tư kinh doanh. Anh P. vay mượn tiền từ gia đình, bạn bè để thuê mặt bằng mở một quán nước giải khát ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Không gian quán được anh trang trí khá đẹp mắt, nhưng do không có kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, từ chuyện lên thực đơn, quản lý nhân viên đến cách truyền thông, dẫn đến làm ăn thua lỗ, anh phải sang lại quán.

Chuyện khởi nghiệp thất bại là bình thường bởi các chuyên gia cho rằng chỉ 10% các dự án khởi nghiệp là thành công. Như trường hợp của P. cho thấy một số bạn trẻ chưa chuẩn bị tâm thế khởi nghiệp nghiêm túc. Để khởi nghiệp, bạn trẻ cần đủ sự trải nghiệm, từ đó tìm ra ý tưởng sáng tạo, một sản phẩm hoặc cách làm độc đáo nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường. Chị Trần Thị Kim Ngọc - chủ trạm dừng bán hàng lưu niệm ở TP Bến Tre (thành viên Hệ sinh thái khởi nghiệp C2T tỉnh Bến Tre), cho biết, chị có thu nhập ổn định từ nghề bán hàng lưu niệm, từ các sản phẩm từ dừa (kẹo dừa, rượu dừa, dầu dừa…) đến các sản phẩm khởi nghiệp từ các nhóm khởi nghiệp thuộc khu vực ĐBSCL. Theo chị, trải nghiệm là điều rất quan trọng khi khởi nghiệp. Chị tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh nhưng từng có thời gian làm công nhân cho xưởng làm kẹo dừa, rồi kế toán, thậm chí hướng dẫn viên du lịch. Tiếp xúc nhiều đoàn khách, chị nhận ra nhu cầu mua đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp làm quà lưu niệm của khách hàng khá cao, vì vậy chị mở cửa hàng, liên kết công ty du lịch để tiêu thụ sản phẩm. 

Các bạn trẻ bước đầu khởi nghiệp thành công cho rằng, họ từng làm nhân viên tiếp thị, công nhân, thậm chí phục vụ quán ăn hay phát tờ rơi. Nhưng đó là cơ hội để họ tìm hiểu thị hiếu của khách hàng hoặc đơn giản giúp họ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biết cách thuyết phục, chăm sóc khách hàng. Anh Khưu Tấn Bửu (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chia sẻ: “Trước khi phát triển dịch vụ trang trí tiệc, bản thân tôi phải đi làm thuê tại các đám tiệc, học cách bày trí, kết hoa, giăng đèn... để tích lũy kinh nghiệm rồi mới bắt đầu thành lập tổ dịch vụ sự kiện”. Theo các chuyên gia, một số bạn trẻ còn ngại khó hoặc có tâm lý “đi đường tắt”, trông chờ vào sự hỗ trợ của người khác, hay chưa xây dựng được kế hoạch phát triển của dự án, mô hình khởi nghiệp nên dễ “gãy gánh” trong quá trình khởi nghiệp. Chị Trần Thị Kim Ngọc khuyên rằng, khởi nghiệp đòi hỏi phải dấn thân nhưng đừng dấn thân một mình. Hãy tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp, qua đó giúp các bạn trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết