09/11/2016 - 20:58

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên

Vừa tạo sân chơi, vừa phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Cần Thơ khuyến khích, tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên tham gia các cuộc thi sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.

Trường Cao đẳng KT-KT Cần Thơ vinh dự có 4 dự án lọt vào tốp 10 Cuộc thi "Nâng tầm ý tưởng khởi nghiệp" của Dự án SimVa (nằm trong chương trình hợp tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan). Dự án "Bùn vi sinh" do sinh viên Nguyễn Hữu Huy Hào (ngành Quản lý môi trường khóa 2014, Trường Cao đẳng KT-KT Cần Thơ) và Phan Hồng Mức (sinh viên ngành Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) thực hiện, dưới sự hỗ trợ của thầy Hoàng Ngọc Khánh, giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Cao đẳng KT-KT Cần Thơ. Dự án đã được ứng dụng thành công trong cuộc sống, mang lại lợi nhuận kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Bạn Nguyễn Hữu Huy Hào (thứ 2, từ phải qua) đang giới thiệu loại kiểng trang trí được trồng từ bùn vi sinh cho đại biểu, tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: CTV

Theo bạn Huy Hào, nhóm tác giả nhận thấy, tài nguyên nước rất quan trọng trong quá trình nuôi trồng và chế biến thủy sản. Ngành chế biến thủy sản thải ra lượng nước thải có chất hữu cơ, chứa nhiều đạm, lân có lợi cho cây trồng. Hiện nay, đa số công ty chế biến thủy sản chưa có hệ thống xử lý nước thải triệt để do chi phí vận hành cao và một số đơn vị chưa tuân thủ đúng quy định về xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Xuất phát từ ý tưởng sử dụng bùn hoạt tính thu được trong quá trình xử lý nước thải từ công ty chế biến thủy sản, nhóm áp dụng trồng lan và một số cây kiểng khác. Bạn Hồng Mức nói: "Dự án nhằm mục đích giảm thiểu tối đa mức độ độc hại từ nước thải chứa hàm lượng các chất hữu cơ, vô cơ, các loại vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh gây bệnh... đến môi trường cũng như sức khỏe con người; đồng thời, tạo nguồn thu từ phụ phẩm của quá trình xử lý nước thải". Sau hơn 2 tháng thực hiện, nhóm xuất 3 chuyến hàng khoảng 230 kg bùn (trị giá 5.000 đồng/kg). Tại diễn đàn khuyến khích Phong trào Sáng chế ở Trường Đại học Cần Thơ ngày 3-11 vừa qua, nhóm trưng bày triển lãm thành quả dự án, được các thầy, cô, chuyên gia quốc tế đánh giá cao, bước đầu nhận được một số đơn đặt hàng… Bạn Hồng Mức bộc bạch: "Nhờ sự hỗ trợ của thầy cô và Dự án SimVa, chúng tôi vừa thành lập Công ty TNHH MTV InOS Nguyễn Phan. Trong đó, dịch vụ xử lý bùn thải là một trong hai mảng hoạt động chính, với khẩu hiệu "mầm xanh từ nước thải - vẻ đẹp của tương lai". Chúng tôi tiếp tục phát triển dự án này, nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng".

Tương tự, đề tài "Phát triển chuỗi canh tác nông nghiệp bền vững" (lọt tốp 10 Cuộc thi "Nâng tầm ý tưởng khởi nghiệp"), do thầy Giảng Thanh Nhường, cán bộ quản lý trại thực nghiệm cùng 4 sinh viên Trường Cao đẳng KT-KT Cần Thơ thực hiện, vừa bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, khởi nghiệp. Quá trình quản lý, canh tác tại cơ sở 2 của trường (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), nhóm tác giả nhận thấy, việc trồng trọt, chăn nuôi tạo ra nhiều phế phẩm gây ô nhiễm môi trường (rơm rạ, phân gia súc, gia cầm…). Từ đó, nhóm nảy sinh ý tưởng xây dựng các mô hình khép kín trong lĩnh vực nông nghiệp như: nuôi trùn quế là thức ăn cho lươn đồng; trồng rau hữu cơ (dưa lưới); nuôi gà… để tận dụng nguồn phế phẩm trên. Cụ thể, nhóm tác giả tận dụng nguồn phân sẵn có để nuôi trùn quế, lấy trùn quế làm thức ăn cho lươn đồng. Diện tích nuôi trùn quế khoảng 20m2, vốn đầu tư ban đầu khoảng 3 triệu đồng, sau 1 tháng nuôi, dự kiến đạt năng suất 0,5 kg trùn thịt/1m2 nuôi; giá dự kiến trùn thịt 150.000 đồng/kg. Đối với mô hình nuôi gà sạch, hiện nhóm có thể cung cấp sản phẩm cho khách hàng ở quy mô nhỏ. Thầy Nhường nói: Nếu các mô hình này ứng dụng vào thực tế sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Quan trọng hơn là đào tạo đội ngũ phát triển kinh tế nông hộ, góp phần tạo việc làm tại địa phương. Đồng thời hình thành chuỗi cửa hàng kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Trường Cao đẳng KT - KT Cần Thơ hiện có hơn 6.000 học sinh, sinh viên theo học các ngành cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Bên cạnh hoạt động đào tạo, lãnh đạo nhà trường còn chỉ đạo các đơn vị, đoàn thể tạo điều kiện, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KT - KT Cần Thơ, cho biết: "Sắp tới, trường tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên, sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Trước mắt, trường bố trí địa điểm để thầy trò trưng bày, kinh doanh sản phẩm; đưa ý tưởng vào thực tế cuộc sống. Qua đó, giúp trường nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết