12/12/2020 - 10:34

“Mở mắt mà mơ” 

Khóc cười một kiếp nhân sinh 

“Mở mắt mà mơ” là tập truyện ngắn của cây bút trẻ Phát Dương (sinh năm 1995) do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2020. Sách tập hợp những giấc mơ của con người khi mộng và cả lúc tỉnh thức, đau đáu và đầy trăn trở về kiếp nhân sinh lắm nỗi bộn bề.

Sách gồm 18 truyện ngắn, mang lại nhiều nỗi buồn và suy ngẫm cho người đọc. Buồn bởi Phát Dương đưa vào truyện những lát cắt rất đời và đôi khi khắc nghiệt. Ở đâu đó trong đời sống, có những đứa con bất hiếu, làm khổ cha mẹ (“Cửa khép hờ”); có những người là anh chị em máu mủ nhưng đối xử với nhau tệ hơn người dưng (“Người, củi cùng khô”); có những người mang danh xóm giềng nhưng lại hại nhau thê thảm (“Ðám ma chung”), có những con người vất vả mưu sinh nhưng vận xui cứ ám mãi (“Không ai bắt máy”), có bi kịch tình yêu khiến người ta phát điên (“Nước mắt hình ngọn lửa”)… Nhưng bên trong những nỗi buồn, vẫn lóe lên những tia sáng dù mong manh nhưng cũng là sự cứu rỗi cho tâm hồn của nhân vật, là hy vọng sau những sai lầm, vấp ngã. Như cái cách đứa con nhận ra mình đã trách oan mẹ bao nhiêu năm trời, như đứa em gái hối hận và mong chờ sự tha thứ của người chị, hay đơn giản chỉ là một nén nhang của đứa bé với người đã có ơn cứu mạng mình…

Tập truyện còn mang tính thời sự khi đưa những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vào nhiều câu chuyện, hay phản ánh tình trạng quay clip tung mạng mà không rõ nguồn cơn khiến cộng đồng mạng “ném đá” người vô tội… Những chi tiết thực tế khiến người đọc giật mình ngẫm lại, bởi có những việc nhìn vậy mà không phải vậy, đừng vội phán xét hay định tội ai khi chưa biết rõ bản chất vấn đề.

Ðiều đặc biệt là ở tập truyện này, tác giả đã làm mới cách viết khi sử dụng những yếu tố huyền ảo, khi thực khi mơ để truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Những giấc mơ bắt đầu từ hiện thực rồi chuyển về những mộng mị, những cảm xúc mơ hồ chỉ để mong thoát khỏi tổn thương ở thực tại và trốn tránh trong ảo tưởng. Trong đó, nỗi cô đơn, thất vọng, mất niềm tin cuộc sống chính là mạch nguồn để nuôi dưỡng những giấc mơ của những con người bất hạnh và cả bất cần đời. Ðó có thể là nỗi cô đơn của những người trẻ tuổi khi chưa định hình mình là ai, sống để làm gì (“Cô gái đi tìm bầy voọc”), là những con người với tâm sự không biết tỏ cùng ai (“Dưới chân cầu nói dối”), là nỗi niềm cay đắng, bẽ bàng của những cô gái bị tình phụ (“Chuyến tàu”, “Tin ngóng tin ai”, “Nước mắt hình ngọn lửa”). Hay có khi đơn giản chỉ là ước muốn được quây quần cùng bạn bè lối xóm của người đàn ông (“Uống rượu dưới mưa”)… Mơ nhưng lại là thực, vì có khi đau quá phải mở mắt mà mơ, để vượt qua thực tại.

Rồi từ những giấc mơ, các nhân vật tìm đến những điều huyền ảo, phi thường để tự an ủi. Có những truyện không cần cốt truyện, đôi khi chỉ là ngóc ngách nội tâm, là những tâm sự, nỗi niềm của nhân vật được tác giả khéo léo phơi bày qua văn chương. Giữa những rối ren tơ vò ấy, vẫn có những nút gỡ, tuy nhỏ, nhưng vẫn sẽ tìm được lối ra nếu đủ tinh tế và kiên nhẫn. Bởi, dù là đời thực hay mộng ảo, dù khóc hay cười, mỗi người đều phải tự giải quyết mọi ngổn ngang, trắc trở của cuộc đời mình.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mở mắt mà mơ