27/04/2017 - 16:40

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Khó từ nhận thức

Thời gian qua, Sở Nội vụ TP Cần Thơ đã nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 (cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ), mức độ 4 (là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí được thực hiện trực tuyến) đến người dân. Tuy nhiên, để DVCTT được sử dụng rộng rãi, phát huy hết công năng, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

 

Chưa phát huy hết hiệu quả

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND quận Bình Thủy.

Theo báo cáo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, tính đến 15-4-2017, có 441 thủ tục hành chính được cung cấp DVCTT ở mức độ 3, mức độ 4 (mức độ 3 là 329 thủ tục, mức độ 4 là 112 thủ tục). Tổng số hồ sơ phát sinh từ dịch vụ này là 1.177 hồ sơ. Trong đó, các lĩnh vực phát sinh hồ sơ nhiều là: công thương, đăng ký kinh doanh, y tế. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng hồ sơ đăng ký thông DVCTT tăng gấp đôi.

Với DVCTT, công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu miễn có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả trực tiếp tại Bộ phận "một cửa" của cơ quan, đơn vị. Đối với DVCTT mức độ 4, người dân có thể thanh toán phí, lệ phí qua internet. DVCTT giúp cơ quan nhà nước giảm tải áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn; người dân được thụ hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian. Đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiều, quan liêu, phiền hà…

Mặc dù vậy, việc triển khai DVCTT mức độ 3,4 đến người dân không hoàn toàn dễ dàng. Ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: "Tuy số lượng hồ sơ sử dụng DVCTT tăng nhiều hơn năm trước nhưng so với số lượng hồ sơ nộp trực tiếp là không đáng kể. Thực tế đáng ngại là người dân không "mặn mà" với DVCTT và vẫn giữ thói quen sử dụng văn bản thủ công do tâm lý trực tiếp đến cơ quan nhà nước nộp hồ sơ, nhận phiếu hẹn thì sẽ yên tâm hơn. Thêm vào đó, khi sử dụng DVCTT người dân phải biết và có điều kiện sử dụng internet. Đây là hạn chế của không ít người, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng phần mềm DVCTT mức độ 3, 4 ở một số cơ quan, đơn vị chưa được đẩy mạnh".

Cần làm tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn

Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tiếp ở mức độ 3, 4. Đầu tư DVCTT mà không khai thác hiệu quả sẽ rất lãng phí. Để DVCTT thực sự phát huy được lợi ích, cần có những giải pháp phù hợp, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Ban pháp chế, HĐND TP Cần Thơ, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân nhất là người dân sử dụng DVCTT ở một số lĩnh vực nhất định. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cần đánh giá hiệu quả việc ứng dụng DVCTT nhất là mức độ 3. Ngoài ra, vấn đề đường truyền bị hạn chế, chế độ bảo mật đối với các thông tin điện tử chưa được quy định cụ thể cũng gây khó khăn, tâm lý e ngại cho người dân trong việc sử dụng DVCTT.

Theo ông Nguyễn Duy Bình, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền về DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn 9 quận, huyện qua hình thức sân khấu hóa; in quyển sổ tay hướng dẫn sử dụng DVCTT mức độ 3 và phát đến tận nhà dân. Đồng thời, triển khai nhân rộng phần mềm DVCTT mức độ 3 và 7 phần mềm chuyên dùng tại 4 quận, huyện: Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cái Răng; ban hành quy định về việc xác thực và sử dụng hồ sơ điện tử của công dân, cán bộ công chức viên chức trong việc thực hiện các giao dịch hành chính tại các đơn vị cung cấp thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố…

Về vấn đề này, trong buổi làm việc với Sở Nội vụ, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, tập trung vào những thuận lợi khi sử dụng DVCTT. Đồng thời, có giải pháp hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT, từng bước nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính hiện đại, chính phủ điện tử. 

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết