22/05/2017 - 21:11

Khó như tuyển sinh cao đẳng, trung cấp

Từ tháng 1-2017, các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) chính thức chuyển về sự quản lý của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Như các tỉnh thành khác trên cả nước, các trường chuyên nghiệp của TP Cần Thơ khi chuyển sang mô hình đào tạo nghề đều khó tránh khỏi lúng túng cũng như lo lắng về nguồn tuyển sinh.

Lo nguồn tuyển

 Một tiết học thực hành tin học của sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Nguyễn Tấn Thái (quận Ninh Kiều) cho biết: "Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, em đăng ký ngành Chăn nuôi của Trường Đại học Cần Thơ. Học lực trung bình - khá nhưng em hy vọng có thể vào đại học (ĐH)". Bạn Nguyễn Quang Phú, sinh viên một trường cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ, nói: "Tôi đăng ký kỳ thi THPT Quốc gia 2017 diện thí sinh tự do, với hy vọng có cơ hội vào ĐH, ra trường dễ tìm việc, lương cao". Tâm lý chuộng vào ĐH của Thái, Phú không phải hiếm, mà hầu như là nguyện vọng chung của thí sinh, phụ huynh trước ngưỡng cửa Kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Lý giải tình trạng này, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường TC Miền Tây TP Cần Thơ, cho rằng, còn tâm lý chuộng bằng cấp trong xã hội, trong khi đó, mức tiền lương, cơ hội thăng tiến của học sinh TC còn thấp nên càng khó thu hút người học. Hiện số học sinh chính quy của trường ngày càng ít dần, chủ yếu học viên hệ vừa làm vừa học.

Các trường CĐ trên địa bàn TP Cần Thơ cũng trong tình trạng thấp thỏm lo âu. Chính sách tuyển sinh ĐH 2017 càng khiến luồng thí sinh đổ vào ĐH nhiều hơn. Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2017 (cùng lúc đăng ký xét tuyển), thông tin về tuyển sinh CĐ, TC khó tới kịp học sinh. Những năm trước, phần mềm tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) có cả thông tin các trường CĐ, TC nhưng hiện hệ thống trường nghề chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH nên thông tin cơ sở giáo dục chuyên nghiệp bị loại khỏi hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng thí sinh ảo có thể xảy ra nhiều hơn. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: "Những năm trước, tỷ lệ thí sinh ảo chiếm khoảng 50%. Năm nay, trường không còn sử dụng chung phần mềm tuyển sinh Bộ GD&ĐT, phải xây dựng phần mềm riêng. Nên chỉ nắm số thí sinh nộp về trường, khó kiểm soát thí sinh nộp, trúng tuyển trường khác".

Cần hỗ trợ

Không chỉ lo về nguồn tuyển, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp ở TP Cần Thơ chuyển sang ngành LĐ-TB&XH đều lúng túng vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh, chương trình đào tạo… Theo quy định hiện hành, hai hệ thống chuyên nghiệp và giáo dục nghề khác hẳn nhau về chương trình đào tạo. Bộ GD&ĐT quy định các trường CĐ, TC chuyên nghiệp, thời gian thực hành 25%-30%, còn đối với Bộ LĐ-TB&XH, thời gian thực hành 80%. Các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp ở TP Cần Thơ đang xây dựng chương trình đào tạo trong tình trạng lúng túng, rối rắm.

Theo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, trước đây, Bộ GD&ĐT quy định chương trình khung cho bậc TC từ 95 đến 105 tín chỉ. Trên cơ sở chương trình khung, mỗi trường sẽ linh động thiết kế thời lượng thực hành và lý thuyết phù hợp, đảm bảo thời gian đào tạo 2 năm. Hiện ngành LĐ-TB&XH quy định bậc TC 35 tín chỉ (thí sinh tốt nghiệp THPT) và 50 tín chỉ (thí sinh tốt nghiệp THCS), nhưng lại không quy định tối đa là bao nhiêu, chưa thống nhất chương trình khung từng ngành. Bà Bình nói thêm: "Đáng lo nhất là các ngành khoa học sức khỏe bậc TC. Nếu theo chương trình mới thì nội dung, thời gian đào tạo rút ngắn so với chương trình cũ; học sinh sẽ học ít hơn, khó đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Do đó, chúng tôi rất cần ngành chủ quản thống nhất khung chương trình từng ngành đào tạo để các trường TC định hướng xây dựng nội dung. Đồng thời, tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục tuyển sinh, giúp các trường chủ động nguồn tuyển".

Khía cạnh khác, khi điều chỉnh chương trình đào tạo sẽ kéo theo thay đổi về đội ngũ giáo viên; tăng cường kỹ năng thực hành nghề đồng nghĩa với việc tăng cường đội ngũ giáo viên có kỹ năng tay nghề cao. Trong khi đó, chuẩn giáo viên Bộ LĐ-TB&XH khác so với chuẩn giáo viên Bộ GD&ĐT. Giai đoạn giao thời này, các trường khó kịp thời thay đổi, tình trạng thừa - thiếu giáo viên ở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp có thể xảy ra. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm cho biết: Trường đang thực hiện cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH nhưng trong trường có Khoa Sư phạm, do Bộ GD&ĐT quản lý. Nhà trường phải tính toán chu đáo để đảm bảo tốt việc giải quyết chế độ giảng viên tham gia giảng dạy khối sư phạm và khối nghề. Trường rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ ngành LĐ-TB&XH, ngành GD&ĐT.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết