07/10/2011 - 20:41

Khó khăn huy động các nguồn vốn đầu tư

Công trình cầu Rạch Ngỗng 1 (Dự án đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc) cần vốn đầu tư khá lớn.

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung nguồn lực và đề xuất các giải pháp huy động vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động đầu tư cho công trình, dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội thành phố phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, việc huy động vốn đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn, do tác động của lạm phát.

Khó đạt chỉ tiêu

Theo kế hoạch năm 2011, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt 32.000 tỉ đồng, tăng 21,8% so với năm 2010 và chiếm 61,2% GDP của thành phố. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, ước tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ thực hiện 24.317,4 tỉ đồng, đạt 76% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách hơn 2.531,8 tỉ đồng (đạt 46,7% kế hoạch năm), vốn tín dụng đầu tư 165,7 tỉ đồng (đạt 46,6% kế hoạch), vốn đầu tư của doanh nghiệp và dân cư trên 13.034 tỉ đồng (đạt 86,4% kế hoạch năm), vốn bộ ngành Trung ương gần 8.106 tỉ đồng (đạt 78,6% kế hoạch), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 443,5 tỉ đồng (đạt 57,8% kế hoạch năm)...

Thêm vào đó, tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản của một số quận, huyện trên địa bàn thành phố còn thấp, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các công trình trọng điểm, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ thi công. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị khối lượng thực hiện nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương quản lý trên 2.531,8 tỉ đồng, đạt 46,7% kế hoạch năm và đạt 81,4% kế hoạch phân bổ. Tính đến cuối tháng 9-2011, thành phố đã thực hiện thanh toán và tạm ứng vốn được trên 2.208,7 tỉ đồng, đạt 71% kế hoạch phân bổ; trong đó, vốn trái phiếu chính phủ hơn 510 tỉ đồng (đạt 97,74% kế hoạch năm).

Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Theo dự báo, năm 2011 thành phố có 15/19 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong 4 chỉ tiêu không đạt, có chỉ tiêu huy động vốn đầu tư xã hội, ước cả năm chỉ 30.500 tỉ đồng, đạt 95,3% kế hoạch năm và tăng 16% so với cùng kỳ”. Rất nhiều giải pháp đưa ra để huy động vốn đầu tư phát triển, nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện còn vướng nhiều khâu như: thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi, lạm phát ở mức cao, giá nguyên vật liệu tăng... làm nhà đầu tư ngán ngại. Chỉ còn hơn 2 tháng để đạt kết quả dự báo 95,3% kế hoạch huy động vốn đầu tư xã hội của năm 2011 cũng không hẳn là dễ dàng. Và đây thực sự là thách thức lớn đặt ra cho các ngành chức năng thành phố.

Tập trung cho đầu tư cuối năm

Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều giải pháp nhằm tăng cường huy động và triển khai đồng bộ những giải pháp thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đạt kết quả như kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, kết quả thu hút đầu tư vốn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa xứng tầm với tiềm năng của thành phố. Trong 9 tháng, thành phố chỉ thu hút hơn 4.323,3 tỉ đồng vốn trong nước (890 doanh nghiệp đăng ký mới) và trên 84,4 triệu USD (vốn đăng ký mới và vốn mở rộng). Vấn đề đặt ra ở đây là quỹ “đất sạch” cho mời gọi đầu tư không nhiều và chính sách thu hút, môi trường đầu tư của thành phố chưa thực sự là “điểm hẹn” đối với nhà đầu tư.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND thành phố: Trong 9 tháng đầu năm, thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng, nhưng chưa ngang tầm với một thành phố trực thuộc Trung ương. Tác động của giá tăng, lãi suất cao, thu hút đầu tư chậm, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, thực hiện năm “Trật tự, kỷ cương đô thị” chưa có chuyển biến rõ nét. Chủ tịch thành phố yêu cầu, ngành thuế cần tập trung đẩy mạnh công tác thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là các nguồn thu chủ lực, đảm bảo chi cho các tháng cuối năm và vượt 7% theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đề ra. Song song đó, thực hiện nghiêm túc cắt giảm đầu tư công, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng cơ bản chậm tiến độ và chuyển vốn cho các công trình bức thiết, hoàn thành trong năm 2011.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, một trong những giải pháp trọng tâm là cắt giảm đầu tư công. Các ngành chức năng thành phố đã tập trung rà soát, điều chỉnh việc phân bổ kế hoạch đầu tư nguồn vốn nhà nước năm 2011, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển. Tính đến cuối tháng 9-2011, thành phố có 34 dự án ngừng khởi công mới, số vốn trên 74,3 tỉ đồng và 38 dự án điều chuyển vốn giảm, số vốn điều chuyển hơn 81,5 tỉ đồng để tăng vốn cho 65 dự án (vốn trên 155,9 tỉ đồng). Cắt giảm đầu tư công được xem là giải pháp quan trọng để kiềm chế lạm phát. Do vậy, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ngành chức năng và quận, huyện trên địa bàn tiếp tục rà soát, cắt giảm đầu tư công, chuyển vốn cho các công trình bức thiết, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt và rà soát việc cải cách các thủ tục hành chính trên lĩnh vực xây dựng để huy động hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết