25/09/2008 - 21:52

Việt Nam trong “bão” tài chính thế giới

Khó khăn có thể chuyển thành cơ hội

Sau sự cố phá sản của Tập đoàn tài chính hàng đầu Hoa Kỳ - Lehman, nền tài chính toàn cầu cũng bị chao đảo. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, có thể về quy mô cuộc khủng hoảng tài chính này sẽ không bằng đại khủng hoảng tài chính những năm 1929-1933, song hậu quả có thể xấu hơn, vì tính phụ thuộc lẫn nhau trên góc độ toàn cầu hóa của các nền kinh tế ngày nay toàn diện hơn rất nhiều. Nền kinh tế Việt Nam, tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự kiện này, song những hệ lụy gián tiếp của nó cũng khiến một số lĩnh vực gặp không ít khó khăn.

NGÂN HÀNG SẼ... “HẮT HƠI”?

Chưa bao giờ, các ngân hàng (NH) ở nước ta lại mọc lên nhiều như hiện nay. Chỉ trong 10 năm qua, cả nước đã có mấy chục ngân hàng lớn nhỏ ra đời. Các NH chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cho vay bất động sản, bảo lãnh xuất khẩu, góp vốn tham gia vào các công trình và kinh doanh cổ phiếu. Nhờ “gặp thời”, nên thời gian qua các NH đã gặt hái lợi nhuận cao chưa từng có (tính trung bình mức lợi nhuận là 400- 1.100 tỉ đồng/năm/ngân hàng).

Trong một hai năm trở lại đây, để tránh rủi ro, cũng như tranh thủ nghiệp vụ trong công tác quản lý, một số NH thương mại trong nước đã bán cổ phần (15%) cho các NH nước ngoài. Nhưng tỷ lệ cổ phần đó chưa đủ điều kiện cần để các NH Việt Nam hội nhập sâu và phụ thuộc vào hệ thống NH toàn cầu. Tuy nhiên, NH là “mạch máu”, là “bà đỡ” của cộng đồng doanh nghiệp và của nền kinh tế, nơi cho vay và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Vì vậy, một khi thị trường tài chính thế giới bị chao đảo, nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thế giới cũng giảm sút, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm. Và do đó, doanh nghiệp sẽ không “mặn mà” tìm đến các NH để hợp tác làm ăn. Cạnh đó, do hệ lụy của khủng hoảng tài chính, các NH nước ngoài còn lo tích trữ vốn, không cho nhau vay, khiến các NH Việt Nam cũng rất khó mua USD.

Xét về mặt nội tại và hệ lụy của ảnh hưởng tài chính Mỹ, để dẫn tới tình trạng phá sản sở dĩ là do Tập đoàn tài chính Lehman đã bơm khá nhiều tiền vào thị trường bất động sản mà không thể thu hồi vốn. Còn nếu nhìn lại 10 năm về trước, cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ Đông Nam Á xuất phát từ Thái Lan cũng bắt đầu từ cuộc đại khủng hoảng cho vay bất động sản. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù theo NH Nhà nước, các khoản vay của các NH cổ phần thương mại vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NH này, nhưng trên thực tế hàng loạt các NH thương mại đã “bơm” một số vốn khá lớn vào thị trường bất động sản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước “lạnh tanh” thời gian gần đây và những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay, các NH thương mại sẽ xoay xở ra sao? Đặc biệt, thời gian qua các nhà đầu tư gặt hái siêu lợi nhuận nhờ thị trường bất động sản mang “giá ảo”- còn nay giá bất động sản đang dần trở về đúng giá trị của nó, thì liệu những khoản tiền mà các NH thương mại bơm ra trước đó có dễ dàng thu về?

XUẤT KHẨU GẶP KHÓ, DỰ ÁN FDI TRIỂN KHAI THẾ NÀO?

Năm nay, Bộ Công thương đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 60 tỉ USD. Song, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng tài chính Mỹ chắc chắn sẽ làm nền kinh tế này bị suy thoái, đồng nghĩa với việc sức tiêu thụ cũng giảm theo. Ảnh hưởng đầu tiên là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị thiệt hại; đặc biệt những doanh nghiệp đã trót vay ngân hàng ở thời điểm lãi suất cao nhất. Nay các hợp đồng đó có thể bị ngừng lại hoặc phải xuất khẩu dè chừng.

Về vấn đề này, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chỉ riêng về xuất sang Mỹ, tất cả người Mỹ đều là cổ đông, đầu tư vào chứng khoán, không ai để tiền dưới gối. Khủng hoảng tài chính đánh vào từng người Mỹ. Do đó, nó sẽ tác động ít nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam dù ta còn khả năng điều chỉnh, vì thị phần của Mỹ chưa quá lớn. Song, dù thế nào đi nữa, đối với các doanh nghiệp, áp lực lãi suất và thị trường tiêu thụ bị giảm sút sẽ là gánh nặng không nhỏ!

Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa bao giờ trong hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam lại chứng kiến dòng vốn này đổ vào nhiều đến vậy. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2008, vốn đăng ký FDI đạt gần 50 tỉ USD, trong đó bất động sản chiếm trên 80% nguồn vốn. Vốn FDI nhiều là mừng, vốn đổ vào thị trường bất động sản để nhanh chóng thay đổi bộ mặt đô thị cũng mừng. Song, đa số các nhà đầu tư, ngoài vốn tự có, đều huy động từ hệ thống các NH. Một khi khủng hoảng nhà đất tại Mỹ dẫn đến khủng hoảng toàn hệ thống tài chính- NH toàn cầu, các NH nước ngoài sẽ rất dè chừng “bơm vốn” cho các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi thế, rất có thể nhiều dòng vốn FDI được cam kết đổ vào Việt Nam rút cuộc chỉ nằm trên giấy. Đất đai thì đã giao cho các chủ đầu tư, song chỉ khoanh vùng nằm đấy. Nhà nước sẽ bị thiệt đơn, thiệt kép!

Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói một cách hình ảnh: “Mặc dù cách xa nước Mỹ nhưng người ta “hắt hơi” mình cũng đã “rét run cầm cập”. Mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam thế nào còn phải nghiên cứu, nhưng ảnh hưởng tâm lý thì đã rõ, thông qua sự biến động của thị trường chứng khoán tuần qua. Vừa rồi, quỹ đầu tư Dragon Capital có báo cáo NH nước ngoài tại Việt Nam đã ngừng bán USD và cuối tuần này mua vào 200 triệu USD. Như vậy, việc tìm nguồn vốn tín dụng của Việt Nam sẽ rất khó, giải ngân vốn FDI cũng không thể dễ dàng.

BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI

Không ai có thể thành công mà không trải qua thử thách. Ở tầm vĩ mô, nói sâu xa hơn, đây yếu tố cần và đủ để đánh giá thực chất năng lực sự điều hành của Chính phủ để đưa nền kinh tế đất nước “vượt qua thác ghềnh”. Hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đang lan tỏa khắp toàn cầu, dù Chính phủ Mỹ đã quyết định bơm trên 800 tỉ USD để cứu thị trường tài chính Mỹ. Song, các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng “tâm bão” vẫn chưa đến.

Để không bị tác động xấu từ khủng hoảng tài chính Mỹ, vừa qua trong các cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các chuyên gia trong nước và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên: Chính phủ nên quan tâm kiểm soát chặt chẽ các NH thương mại; nhanh chóng thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro để có thể sẵn ứng phó “nếu” có sự đổ vỡ. Dẫu sao, đây cũng là những lời khuyên có tính chủ động phòng ngừa từ xa.

Tuy nhiên, như ông bà ta đã nói: “Trong cái khó, ló cái khôn”. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lần này cũng nên xem là cơ hội giúp chúng ta “gạn đục khơi trong”, xem thực chất cái nào mạnh- cái nào còn yếu (đối với lĩnh vực- phân ngành kinh tế trong nước) và tập đoàn nào trên thế giới, thị trường nào trên thế giới mạnh- yếu ra sao để có cách điều chỉnh và tiếp cận. Đây cũng chính là cơ hội để điều chỉnh chiến lược điều hành và hợp tác làm ăn của chúng ta.

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết