29/05/2014 - 15:07

Khó khăn, bất cập của quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) có yếu tố nước ngoài, ngày 28-3-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HN&GĐ về quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài (NĐ24). Sau đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BTP ngày 31-12-2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của NĐ24 (TT22). Sau 3 tháng có hiệu lực thi hành, các địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực thi TT22...

NĐ24 đã quy định khá cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết các việc HN&GĐ có yếu tố nước ngoài; quy định chi tiết về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài (gọi tắt là Trung tâm), trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, TT22 được ban hành đã cụ thể hóa một số điều của NĐ24, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả quản lý về HN&GĐ có yếu tố nước ngoài.

Áp dụng TT22, một số tỉnh, thành đang xây dựng thủ tục hành chính liên thông mới về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam sống tại Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tại nước ngoài và thủ tục Đăng ký nhận cha, mẹ con kết hợp đăng ký khai sinh; xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về công tác giải quyết các vấn đề về hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài... Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai thực hiện TT22, các địa phương đã vấp phải những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong giải quyết công việc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Cụ thể: Tại điểm b, khoản 2, Điều 6 TT22 quy định: Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (đồng thời có quốc tịch nước ngoài) phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch cấp và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Theo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, quy định trên không chỉ gây khó khăn cho công dân mà cả cán bộ tư pháp cũng gặp khó. Do quy định không rõ ràng cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào nên công dân có quốc tịch nước ngoài không xin được giấy chứng minh tình trạng hôn nhân ở nước họ. TT22 cũng yêu cầu công dân đó phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, nhưng không quy định cụ thể là cơ quan nào.

Công chức Tư pháp – Hộ tịch của UBND xã Nhơn Ái đang hướng dẫn TTHC cho công dân.

Tại khoản 4 Điều 6 của TT22 quy định: Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu hai bên đương sự chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên; người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với công dân Việt Nam; hai bên chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình; hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về HN&GĐ của mỗi nước thì phải có giấy xác nhận công dân Việt Nam đã được tư vấn, hỗ trợ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài. Giấy xác nhận này do Trung tâm cấp theo NĐ24. Các Trung tâm này trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành. Ngoài những Trung tâm này, không có trung tâm nào khác có chức năng cấp giấy xác nhận. Nhưng trên thực tế, hiện trong khu vực phía Nam chỉ có 12 Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài do các Hội LHPN các tỉnh, thành quản lý đang hoạt động theo giấy phép cũ được cấp căn cư theo Nghị định số 68/NĐ-CP, nay không còn phù hợp. Trong đó, ở khu vực phía Nam chỉ có Trung tâm của TP Cần Thơ có đủ chức năng, thẩm quyền cấp giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ kết hôn theo tinh thần TT22. Các Trung tâm còn lại đang xin giấy phép thành lập hoặc chuyển đổi chức năng hoạt động. Bà Lê Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: Trung Tâm chỉ có 1 người phụ trách nên cũng gặp khó trong việc tư vấn, có trường hợp công dân phải chờ cả tuần mới được tư vấn. Hơn nữa, năng lực, trình độ am hiểu của cán bộ về phong tục, tập quán, văn hóa và pháp luật của các nước để tư vấn, hỗ trợ hoặc xác định đối với người yêu cầu đăng ký kết hôn phải hiểu biết về phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về HN&GĐ ở nước đó mức độ như thế nào là chấp nhận được, cũng là một vấn đề rất khó thực hiện.

Một vướng mắc khác phải kể đến đó là quy định về phỏng vấn đối với người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Tại khoản 2 Điều 10 TT22 quy định các trường hợp phải mời người nước ngoài về phỏng vấn. Tuy nhiên, theo quy định, việc phỏng vấn cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam trong nước kết hôn với người nước ngoài không quy định phải có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của bên nước ngoài. Vì vậy, khi phỏng vấn, mọi thông tin về phía người nước ngoài chủ yếu do công dân Việt Nam cung cấp nên không xác định được tính chính xác đối với người nước ngoài trong trường hợp đã kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam hoặc công dân Việt Nam sẽ không có mặt để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài...

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, nhiều địa phương đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc bổ sung Giấy xác nhận đã được tư vấn, hỗ trợ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài trong trường hợp tỉnh, thành chưa thành lập được Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài để địa phương giải quyết hồ sơ đảm bảo theo yêu cầu, tránh trường hợp chạy Giấy xác nhận để hợp thức hóa hồ sơ. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng nên quy định rõ ràng hơn cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào được cấp Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch cấp và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; quy định về thời gian phỏng vấn lại; quy định các loại giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của bên nước ngoài phải nộp...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết