03/01/2018 - 22:16

Khó đoán số phận thỏa thuận hạt nhân Iran 

Với những bất ổn tại Iran hiện nay, giới quan sát dự đoán chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dựa vào những diễn biến chính trị này để từ bỏ thỏa thuận hạt nhân ký kết với Tehran.

Tổng thống Trump từng đe dọa đơn phương xé bỏ JCPOA. Ảnh: Reuters

Theo quy định, Tổng thống Trump giữa tháng Một sẽ quyết định có xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 hay không. Động thái này được xem là tiền đề về khả năng Washington có thật sự rút khỏi hiệp ước ký kết dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, như lời ông Trump đe dọa. Theo các điều khoản của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), Tổng thống Mỹ cứ sau 90 ngày phải xác nhận với Quốc hội nước này rằng Tehran có hay không tuân thủ thỏa thuận. Đến nay, Tổng thống Trump đã 2 lần chứng thực và một lần không xác nhận vào tháng 10 năm ngoái.

Một quyết định quan trọng khác đang chờ ông Trump trong tháng này là gia hạn việc nới lỏng lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran. Theo JCPOA, Iran sẽ tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp cấm vận. Việc gia hạn tiến hành sau mỗi 120 ngày được xem là yếu tố duy trì vai trò cũng như cam kết của Washington đối với thỏa thuận. Lần trước, Tổng thống Trump tuy đã ký lệnh gia hạn nhưng quyết định chỉ được đưa ra vào phút chót. Còn hiện tại, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sander cho biết ông Trump chưa có quyết định về việc này.

Trong tuyên bố không xác nhận sự tuân thủ của Iran năm ngoái, Tổng thống Trump cáo buộc nước này nhiều lần vi phạm JCPOA bất chấp nhiều quan chức Mỹ, các nước đồng minh châu Âu, kể cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đều khẳng định Tehran tuân thủ cam kết về hạt nhân. Thời điểm đó, ông Trump còn cảnh báo sẽ đơn phương hủy bỏ JCPOA nếu không đạt được giải pháp khi làm việc với Quốc hội Mỹ và các nước đồng minh.

Mỹ cảnh báo Triều Tiên

Hôm 2-1, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley cảnh báo CHDCND Triều Tiên có thể chuẩn bị thử tên lửa và rằng Washington sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Bình Nhưỡng với Hàn Quốc nếu không có giải pháp buộc quốc gia Đông Bắc Á từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Theo đó, bà Haley nhấn mạnh sẽ có biện pháp đối phó cứng rắn hơn nếu Triều Tiên thật sự thử tên lửa. Ngoài ra, đại sứ Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng có thể đối thoại với bất kỳ bên nào họ muốn nhưng Washington sẽ không công nhận cho đến khi Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Seoul đề nghị đàm phán cấp cao với Triều Tiên vào tuần tới. Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gợi mở về cơ hội đột phá trong quan hệ 2 nước và để ngỏ khả năng Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội Mùa đông tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 2 tới. Trong một tín hiệu tích cực, chiều 3-1, Triều Tiên và Hàn Quốc đã chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán theo đề nghị từ phía Seoul. Thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã liên lạc trước thông qua kênh đối thoại này và hai bên đã trao đổi 20 phút để kiểm tra các vấn đề kỹ thuật. Trước đó, giới chức Triều Tiên cho biết sẽ mở lại kênh đối thoại tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) ở biên giới hai nước.

MAI QUYÊN 

Chia sẻ bài viết