15/07/2012 - 09:20

Khi trái tim già thổn thức

Truyện ngắn: NGUYỄN KIM

Mở cửa bước ra khoảng sân vườn le lói những tia nắng ấm sớm mai vờn qua kẻ lá, ông Tấn khoan khoái hít một hơi dài không khí trong lành. Bầu đoàn thê tử con trai lớn của ông đã rời nhà từ chiếu qua để dự đám cưới con gái người bạn thân, đưa dâu xong mới về. Làm vài động tác thể dục cho dãn gân cốt độ mươi phút, ông Tấn thong thả lại băng ghế ngồi nghỉ.

Đã bước qua tuổi thất thập, trông ông vẫn còn tráng kiện bởi biết sống điều độ, tránh phiền muộn, trầm uất. Nhưng gần nửa tháng nay ông vướng mắc một chuyện khá kỳ đời, ngặt nỗi khó bày tỏ cùng ai để tìm phương tháo gỡ. Người ta đầu lẫn lộn hai thứ tóc còn châm chước được, chứ như tóc ông chỉ một màu bông trắng mà sai lầm, mê muội thì... hết thuốc. Mãi nghĩ vẩn vơ, ông chợt giật mình khi nghe tiếng một cô gái gọi vọng bên rào, giọng nhão nhoẹt:

- Ông ơi! mua giúp em ít tờ vé số...

Ông Tấn nhăn mặt, xua tay:

- Không mua! Vừa sáng mà... em em, bực mình!

Vẫn chưa chịu thôi, cô gái vuốt mái tóc nhuộm ba màu, ỏn ẻn cười:

- Thì số của em... nóng hổi mới dám mời ông... à... mời bác mở hàng giúp. Nhớ rồi! bác là mối ruột của chị Mỹ phải hông? Đừng chối nghen!

Bỗng dưng ông Tấn nổi cáu, quát lớn:

- Hổn! tôi không việc gì phải chối là... mối ruột, mối thịt của ai cả. Cô đừng làm phiền tôi nữa!

Cụt hứng, cô gái xẻn lẻn hứ một tiếng rồi bỏ đi. Quay vào nhà, ông Tấn còn bực bội, lầu bầu: “Nó kêu mình từ ông sang bác, vài câu nữa dám gọi anh, xưng em luôn. Đồ quỷ!”. Nhấm nháp chén bột dinh dưỡng thơm ngọt mà tâm trí ông Tấn cứ xoay quanh chuyện riêng tư làm ông mất ngủ và rúc trong nhà cả tuần lễ nay...

 

Gọi mấy lần không nghe đáp, Lộc xô cửa vào. Thấy ông nội nằm trên võng vừa hé mắt, Lộc ngồi gần bên han hỏi:

- Mới mười một giờ, nội mệt sao ngủ sớm vậy? Thương nội ở nhà một mình, cháu không theo đưa dâu mà về trước...

Âu yếm cầm tay đứa cháu cưng, ông Tấn cảm thấy lòng vơi bớt ưu tư:

- Ờ... không sao! Ông có chút việc hơi khó xử...

Ngó ông, Lộc ngập ngừng:

- Cháu đã trưởng thành, đã đi làm rồi. Để ý thấy độ rày ông băn khoăn, là lạ làm sao ấy. Nội có thể tin tưởng cho cháu biết việc gì, may ra cháu góp ý được...

Ông Tấn đắn đo thầm nghĩ: “Thằng cháu này được, nó trung thực và rất thương yêu mình. Cho nó rõ chuyện, biết đâu giải quyết xong... khối u rối rắm này? Ấm ức hoài chắc ngã bệnh luôn!”. Quyết định xong, ông nhổm dậy nghiêm mặt bảo:

- Cháu đốt ba cây nhang cắm lên bàn thờ rồi thề nghe ông nói mà không hở môi tiết lộ cho bất cứ ai biết, được không?

Hơi ngạc nhiên, nhưng Lộc cũng lẳng lặng làm theo lời ông với cử chỉ thành tâm rồi trở lại ấn ông nằm xuống võng, chờ đợi. Được cháu nội trấn an, khuyến khích, ông Tấn chậm rãi bắt đầu câu chuyện...

* * *

... Hơn một năm trước, nhận thấy mình tuổi tác đã cao nên ông Tấn bàn bạc chia gia sản cho các con để an dưỡng cuộc sống. Ba con ông, hai trai một gái được giáo dục tốt, làm ăn thành đạt, gia đình êm ấm càng khiến ông an tâm. Thật vậy, từ sui gia, họ hàng đến dư luận ai ai cũng coi cảnh nhà ông như tấm gương điển hình về sự hòa thuận, hiếu để. Cân nhắc các điều kiện thích hợp, ông về sống cùng vợ chồng người con trai lớn. Nói chung, không có điều gì làm ông phải bận tâm nữa. Sáng sáng tản bộ ra phố uống cà phê, chuyện trò với những người quen rồi về chăm sóc cây kiểng làm vui. Cái thú ngồi quán cà phê để quan sát các sinh hoạt muôn màu muôn vẻ tạo thói quen trong ông Tấn lúc nào không hay.

Nếu dòng đời cứ trôi xuôi như vậy cho tới ngày ông mặc... sơ mi gỗ theo ông bà ông vãi thì hay biết mấy! Thị xã chỉnh trang, dịch vụ nâng cấp, ông Tấn rời bỏ quán cà phê quen giờ thành lạc hậu để sang quán mới, tha hồ ngắm nghía sự tươi mát, nét trẻ trung, môi cười tươi tắn... gợi nhớ một thời đã qua. Các cô tiếp viên lúc đầu thấy “ông ngoại” cô đơn nên cũng đến tiếp chuyện. Nhưng rồi bọn họ lảng dần bởi không thích nghe đề tài cổ tích, Tam quốc, Lục quốc tranh hùng..., mà ông thì khó nổi luận bàn về thời trang bốn mùa, siêu sao siêu mẫu. Rốt cuộc, chỉ mấy chị em bán vé số là gần gũi ông hơn hết. Trong số ấy, duy nhất có cô Mỹ với khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo đôi lúc làm trái tim ông ấm lên, đập nhịp rộn ràng. Ngồi thụp bên ghế, cô đặt cánh tay tròn trĩnh lên đùi ông rồi ngọt ngào hỏi chuyện trời trăng mây nước, cả đời tư của Lữ Bố, Điêu Thuyền, Tây Thi, Đắc Kỷ! Với tâm trạng được ve vuốt, quan tâm và ngưỡng mộ, lần nào ông cũng thao thao bất tuyệt diễn giải rồi mua giúp cô năm ba tờ vé số. Một sáng đẹp trời, cô chuyển hệ gọi ông Tấn bằng anh, xưng em ngọt xớt như chứng tỏ mối quan hệ đã bước sang giai đoạn thăng hoa. Cô tỉ tê tâm sự:

- Em ở xã Bầu Láng xa lắc xa lơ lên đây cũng vì cái hoàn cảnh bi đát. Thằng chồng em nó ô dề, cục súc lắm chớ đâu được một góc văn vẻ, lịch sự như anh đây. Nó say xỉn, ghen tuông đánh đập em hoài. Không chịu được, em ra xã xé hôn thú cắt đứt cho yên thân...

Ông Tấn tặc lưỡi, nhăn mặt:

- Thằng bất nhơn! Tội nghiệp cháu... à... em quá chừng. Nghĩa phu thê, đạo vợ chồng, thôi thì anh ta có hư đốn chăng nữa em cũng nên nhập vai hiền phụ để cố gắng khuyên răn, chịu đựng tới cùng. Ông bà ta nói “Mưa dầm thấm sâu”. Còn sách xưa có câu “Nhẫn nhẫn nhất thời chi khí”... Rồi tới sự tích vợ ông Chu Mãi Thần bên Tàu thuở hàn vi...

Vỗ đánh đét lên đùi ông già, Mỹ cong cớn nguýt dài:

- Anh làm ơn dẹp quách vụ vợ chồng Mãi Thần cho được việc! Em lấy chồng năm hăm hai tuổi, sống với thằng cha vũ phu ưa cầm chai, cầm cây hơn nựng nịu vợ suốt năm năm còn chưa đủ khổ sao anh? Thôi để em đi bán tiếp. Ứ... ừ... bộ tóc trắng của anh để cho thật dài rồi ra tiệm hớt tóc “Nghệ thuật trứ danh quốc tế” o bế, nhuộm màu lại thì đẹp lão không thua thằng tài tử chớp bóng nào!

Nét liến thoắng, “nai tơ gãy sừng” của Mỹ khiến trái tim ông Tấn suýt đập trật nhịp. Lim dim mắt tận hưởng phút giây khoan khoái mơ hoài chưa gặp, ông nghĩ có lẽ... trời cao có mắt. Để kỷ niệm và nhất là gây ấn tượng đẹp cho Mỹ, hôm đó ông mua luôn một trăm ngàn tiền vé số, tặng thêm hai chục ngàn cho “em ăn sáng”!. Buổi chiều dò kết quả trật lất, ông len lén ra nhà sau đốt bỏ xấp vé số vô dụng như lệ thường. Cẩn tắc vô áy náy, kẻo con cháu nó biết thì chẳng ra gì thật!

Ngày qua ngày, mức độ tiếp xúc giữa ông Tấn và cô bán vé số cũng giới hạn trong những lời ngọt dịu, lâu lâu lại... đấm lưng, nhổ tóc sâu mà thôi. Quán đông khách, nào ai rỗi hơi nhìn ngó ai nên ông tạm vững bụng. Thỉnh thoảng hai người đưa nhau ra ngoại ô ăn cháo cua, cháo cá. Trăng thanh gió mát, cô Mỹ rỉ rả trích đoạn Vũ Linh, Phượng Hằng xong, tới ông thều thào về nhân vật, sự kiện trong... Nhị thập tứ hiếu, lan man qua thời... Đông Châu, Tiền Hán. Cô Mỹ có khi kín đáo ngáp dài, nhưng được cái là đàn Nam, trống Bắc không chỏi nhau bởi ông Tấn thường tế nhị mua kha khá vé số gọi là bù đắp thiệt hại giờ lao động. Nhận xét phía đối tác lực bất tòng tâm, Mỹ cũng không đòi hỏi gì hơn.

Sau đám giỗ vợ, một đêm ông Tấn trằn trọc, thấp thỏm giở quyển sổ tiết kiệm riêng ra xem. Bần thần ngó khoản tiền dư chỉ còn năm con số. Như bừng tỉnh cơn mê, ông thảng thốt nhẫm tính. Cà phê cà pháo nào tốn bao nhiêu, chi phí đậm nhất là “nghĩa vụ” bao ăn và độc quyền mua vé số của Mỹ. Ngặt sau này hơi hẻo nên ông còn nợ cô đâu chừng... vài trăm ngàn gì đó. Ngày ba bữa con dâu lo ăn tươm tất, tiền tiêu vặt con trai dấm dúi đều đều, ông có thiếu chi? Cứ đà này ra quán ngồi trơ mặt cho thiên hạ xì xào cười vào mũi thiệt khó coi. Con cháu một mực thương yêu ông, nhưng chắc gì trong lòng chúng nó không có tì vết về người cha, người ông hằng được kính trọng?

Ngồi lặng lẽ ở quán cóc cuối khu phố, ông Tấn sốt ruột trông ngóng. Hơn ba giờ chiều thì Mỹ đến. Cô tự nhiên kéo ghế ngồi kề ông, kêu ly cà phê sữa đá, giọng thân mật:

- Anh mua giúp em chục tờ, bữa nay ế quá! Ủa... trông mặt anh ỉu xìu, hốc hác vậy? bị... bồ đá hả?

Ông Tấn cau có:

- Vé số đá mới nên nỗi này! Từ giờ chắc tôi ít ra quán, ít gặp cô được, mệt quá!

Mỹ đấm vào lưng “mối ruột” thình thịch, nhoẻn cười tươi tắn:

- Sầu mà chi anh? Có quán cháo rắn mới khai trương, tối nay mình nhảy xe ôm ra ăn cho... bổ thận nghen?

Thu hai tay vào lòng, ông Tấn rụt cổ:

- Bái bai vụ đó đi Tám! Nói thiệt, tôi vỡ lẽ từng tuổi này mà cứ lấn cấn với cô rất dễ mang tiếng... trâu già khoái cỏ non, cô lại phí thời giờ chơi trò cút bắt. Trí giả tự xử! tôi còn nợ cô mấy trăm ngàn, tính kỹ lại để tuần sau tôi liệu trả đủ. Quân tử nhứt ngôn, tứ mã...

Thay đổi hẳn thái độ, cô bán vé số chồm tới, trừng mắt:

- Tứ mã phanh thây chớ gì? Dễ nghe hử? “Ông ngoại” đã... thay lòng đổi dạ thì em xin thưa là ông nhớ trả em đúng... năm triệu bạc rồi đôi ngã chia ly. Bằng không em rêu rao đầu làng cuối phố, thông tin vĩa hè là cụ ê mặt lắm nghen!

- Cô dám... dám bịa đặt...

- Em còn gì để mất nào? Trong vòng mười ngày, xin cụ giúp em năm triệu làm vốn đổi nghề. Tạm biệt... ông già!

Ngó dáng đi ỏng ẹo của “cô bạn ngày xưa”, ông Tấn đâm ngứa mắt sôi gan, giận người giận mình.

* * *

... Trút hết nỗi lòng cho thằng cháu nghe xong, ông Tấn hơi nhẹ nhõm. Trầm ngâm hồi lâu, Lộc lựa lời nói:

- Xin lỗi ông nội! Cháu đọc sách biết tâm lý người già thường thích sự ân cần, chiều chuộng nên gặp cô Mỹ đáp ứng thì ông cảm thấy vui là lẽ tự nhiên. Chẳng có gì phải tự dằn vặt vì ông đâu có đi quá xa? Cô ta thật ra cũng nặng về sinh kế và...

Ông Tấn khoát tay cắt ngang:

- Ông sợ mọi người biết chuyện sẽ chê cười, chỉ lo lắng điều đó thôi, cháu hiểu chưa? Hừ... nợ có ba trăm ngàn mà nó nỡ đòi ông tới... năm triệu.

Đã có chủ ý, Lộc cười nói tiếp:

- Cháu sẽ tới gặp thẳng cô Mỹ, đề nghị gởi năm trăm ngàn, đồng thời yêu cầu không được nói bậy, làm phiền ông nữa. Không chịu thì cháu sẽ dọa đưa sự việc đến chính quyền trình bày rõ ràng. Chắc chắn họ sẽ có hướng can thiệp tế nhị, bởi mình đâu có sai trái?

* * *

... Tuần lễ sau, mọi việc được giải quyết êm xuôi đúng dự định của Lộc. Ông Tấn dạo này lại đi uống cà phê sáng, nhưng chỉ ở quán vườn cây cảnh của người bạn thân. Mỹ, “cô bạn ngày xưa” thỉnh thoảng cầm xấp vé số đi ngang nhìn thoáng qua ông, cười mỉm chi chứ không vào. Mỗi lần như vậy, nhịp đập trái tim của ông Tấn có bồi hồi một chút, một chút rồi trở lại bình thường...

Chia sẻ bài viết