09/11/2021 - 08:59

Khi nào tổ chức dạy và học trực tiếp? 

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Y tế, địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 1 sẽ tổ chức dạy và học trực tiếp bình thường; cấp độ 2, dạy và học trực tiếp bình thường hoặc hạn chế; cấp độ 3, hạn chế dạy và học trực tiếp; cấp độ 4, ngừng dạy và học trực tiếp.

Theo Bộ Y tế, địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 1 sẽ dạy và học trực tiếp bình thường - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Ngày 8/11, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, tổng số cán bộ giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên mắc COVID-19 là 47.497 ca. Hiện dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương và cũng đã xuất hiện ở một số trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp, dẫn tới một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến, điều chỉnh kế hoạch mở cửa trường học trở lại ở các địa bàn vùng xanh. Bên cạnh đó, tỉ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên tại các trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%), hơn 10.000 cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế tại trường...

Đến nay, có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh. 35 tỉnh, thành với 337 quận/huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Số học sinh đang học trực tuyến là khoảng 6.739.020 học sinh (Tiểu học 42,5%, THCS 74,3%; THPT 55,2%; liên cấp 48,1%). 

Tuy nhiên, một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp bảo đảm giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú; việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

Theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, theo quy định hiện nay, địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 1 sẽ tổ chức dạy và học trực tiếp bình thường; cấp độ 2, dạy và học trực tiếp bình thường hoặc hạn chế; cấp độ 3 hạn chế dạy và học trực tiếp; cấp độ 4 ngừng dạy và học trực tiếp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP với những giải pháp quan trọng trong tình hình dịch bệnh hiện nay và trong thời gian tới nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát dịch hiệu quả. 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, nếu như trước đây, khi chúng ta phát hiện ca F0 thì sẽ chuyển ngay vào bệnh viện, đưa F1 cách ly tập trung. Nhưng hiện nay, các giải pháp đã linh hoạt hơn, nếu bệnh nhân nặng thì sẽ đưa vào viện, bệnh nhân nhẹ có thể điều trị tại nhà, F1 cũng cách ly tại nhà. Như vậy, các giải pháp linh hoạt hơn rất nhiều.

"Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định việc trẻ có được đến trường học trực tiếp hay không. Theo hướng dẫn này, các địa phương có nguy cơ dịch cấp độ 1 thì có thể cho trẻ đến trường học, bao gồm cả trẻ đã tiêm và chưa tiêm vaccine. Ở cấp độ 2, trẻ có thể đến trường học nhưng phải giảm tải về khoảng cách, số lượng, kết hợp với học trực tuyến", Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng cũng đề nghị sở y tế, sở GD&ĐT các địa phương phối hợp rà soát lại và yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch hiện nay theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, không thể giữ kế hoạch trước đây để áp dụng trong tình hình mới vì tỉ lệ tiêm vaccine đến nay đã tăng nhiều so với trước. Các trường cũng phải xây dựng phương án khi ghi nhận ca bệnh, nếu có phong toả thì chỉ phong toả phòng học có ghi nhận ca bệnh hoặc tầng có phòng học đó hoặc toà nhà đó.

Hướng dẫn khi phát hiện ca nghi nhiễm, ca F0 trong trường học

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi phát hiện trường hợp nghi mắc trong trường, nhà trường cần thông báo cho trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường, cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách; yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 2 m với những người khác; thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời; hướng dẫn trường hợp nghi ngờ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng; gọi điện thoại cho đường dây nóng của sở y tế hoặc Bộ Y tế hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương; không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển; lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc khi cơ quan y tế yêu cầu.

Khi có bệnh nhân trong trường học, cần phong toả tạm thời ngay toàn bộ trường học; thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, lập tức tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định; rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, sinh viên, giáo viên, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng; tổ chức ngay việc cách ly tạm thời tại trường học ca bệnh nghi ngờ và tổ chức lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng; truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng.

Tại trường học, tách ngay F1 ra khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định, tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1, lấy mẫu bệnh phẩm F1 lần đầu theo mẫu đơn.

Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh là F1 đang ở cộng đồng, yêu cầu ở yên tại nơi lưu trú và thông báo ngay cho y tế cơ sở để xử lý.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường, những người đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và F1 thì lấy mẫu xét nghiệm đơn, những người khác thì nên lấy mẫu xét nghiệm gộp. Rà soát F2, lấy mẫu xét nghiệm nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2, hướng dẫn F2 cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1…

Liên quan đến vấn đề đeo khẩu trang khi trẻ đến trường, ông Nguyễn Danh Khoa, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn Việt Nam chia sẻ, việc đeo khẩu trang liên tục ở trẻ em không đơn giản, sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ bản thân của các em cũng hạn chế, vì vậy, phải linh hoạt triển khai nguyên tắc 5K ở nhóm đối tượng này và cần có hướng dẫn cụ thể ở từng độ tuổi phù hợp với môi trường học tại mỗi địa phương.

Hiền Minh

Chia sẻ bài viết