06/07/2009 - 09:14

Khánh Hòa: Vịnh Nha Trang có nhiều loài sinh vật là tác nhân gây phá hủy vật liệu trong môi trường nước biển

Trung tâm Nhiệt đới Việt- Nga có trụ sở tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) vừa đưa ra kết quả quá trình nghiên cứu kéo dài từ năm 2006 đến nay về sự phá hủy vật liệu do vi sinh vật trong nước biển gây ra tại vịnh Nha Trang. Qua đó, cho biết, có hơn 300 chủng vi sinh vật tồn tại trên các mẫu kim loại và trong nước biển của vịnh, trong đó xác định được hơn 50% chủng có liên quan đến quá trình ăn mòn vật liệu. Các men do số sinh vật này tiết ra đã tăng nhanh tốc độ ăn mòn kim loại một cách rõ rệt, kể cả đối với mẫu thép không gỉ.

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Công Huấn- Giám đốc Chi nhánh ven biển (Trung tâm Nhiệt đới Việt- Nga), riêng việc các sinh vật biển bám trên bề mặt vật liệu, không chỉ cản trở hoạt động của các phương tiện vận tải, mà còn thúc đẩy nhanh các quá trình ăn mòn kim loại. Kết quả thử nghiệm tại một số điểm thuộc vịnh Nha Trang đã xác định được 12 bộ sinh vật bám, trong đó có 3 loài thuộc họ Balanus có liên quan đến quá trình ăn mòn thép. Tại điểm “đóng tổ”, các vi sinh vật bám này đã tạo ra các điều kiện môi trường lý hóa thích hợp cho các vi sinh vật kỵ khí phát triển và tham gia vào quá trình ăn mòn cục bộ.

Tuy nhiên, ông Huấn cũng cho rằng, ngoài việc tìm kiếm các giải pháp kéo dài tuổi thọ đối với trang thiết bị kỹ thuật, khí tài, chế tạo các phương tiện vận tải trên biển và một số sản phẩm an toàn khác trong môi trường nước biển, công trình nghiên cứu này còn có mục đích phát hiện nhiều đối tượng sinh vật mới, góp phần hoàn thiện bức tranh về cấu trúc, chức năng các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang.

TIÊN MINH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết