16/02/2016 - 10:02

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ ĐẤT CÙ LAO

Khi còn là địa phận của huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông, cho đến khi mới thành lập huyện (năm 2008), vùng đất Tân Phú Đông chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm. Mùa nắng thì đất khô hạn, nứt nẻ, hạn mặn xâm nhập mạnh, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Nhiều người dân phải rời quê lên TP Hồ Chí Minh hoặc đi đến các địa phương khác để lập nghiệp. Trồng cây gì, nuôi con gì… chưa được định hướng chuyển đổi rõ ràng nên hộ nghèo lúc bấy giờ chiếm hơn 50% dân số của huyện. Vùng đất cù lao hoang sơ của mấy mươi năm về trước đã được phủ lên một màu xanh bạt ngàn của sự sống. Mãng cầu xiêm, cây sả và con tôm dần dần góp phần khẳng định vị thế của vùng đất cù lao...

*MÃNG CẦU XIÊM MANG LẠI ẤM NO

Để giúp cho nông dân giải quyết khó khăn trước mắt, cán bộ ngành nông nghiệp của huyện tìm tòi, nghiên cứu, hướng dẫn bà con nông dân trồng cây mãng cầu xiêm ngay trên chính "vùng đất chết" và xác định cần phải chuyển đổi nhanh chóng để giữ chân người dân, tạo đột phá cho vùng. Căn cứ về thổ nhưỡng, ngành nông nghiệp chọn 2 xã Tân Phú và Tân Thạnh để trồng mãng cầu xiêm. Thời gian đầu, người dân trồng bằng cách ươm từ hạt nên cây lâu cho trái, năng suất không cao. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp huyện nghiên cứu cách ghép bo cây mãng cầu xiêm vào thân cây bình bát. Thử nghiệm thành công được triển khai ứng dụng rộng rãi. Cây trồng chỉ hơn 1 năm là cho trái. Đã vậy, trái rất sai, cây không bị ảnh hưởng bởi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Từ đó, cây mãng cầu xiêm bén duyên không chỉ ở Tân Phú, Tân Thạnh mà phát triển ra các xã Phú Thạnh, Phú Đông. Diện tích cũng bắt đầu tăng từ 1ha, 2ha đến nay huyện đã có trên 850ha trồng mãng cầu xiêm và dần dần khẳng định là cây ăn trái đặc sản hàng đầu tại địa phương.

Cây sả xóa đói giảm nghèo và giúp người dân giải quyết việc làm hiệu quả trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông hiện nay.

Hiệu quả kinh tế từ cây mãng cầu xiêm rất khả quan. Nếu trồng, chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất rất cao, lợi nhuận có thể lên tới 200 triệu đồng/ha/năm. Anh Hồ Văn Thân, xã Tân Phú, một trong những gia đình ở huyện Tân Phú Đông thoát nghèo nhờ trồng cây mãng cầu xiêm, phấn khởi nói: "Trước đây, trồng lúa không bao giờ khá nổi! Thấy vậy, tôi chuyển đổi đất lúa sang trồng mãng cầu xiêm; tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật... Đến nay, vườn mãng cầu xiêm của tôi cho trái ổn định. Nhờ đó, gia đình tôi có điều kiện nuôi các con ăn học, cất được nhà cửa khang trang".

Huyện Tân Phú Đông đã thành lập tổ hợp tác (THT) mãng cầu xiêm để hướng dẫn kỹ thuật, tìm đầu ra và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Qua 2 năm triển khai, xã Tân Phú vận động được 25 hộ dân với 13,2ha tham gia và đã được công nhận sản xuất mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Minh Mẫn, Tổ trưởng THT kinh tế mãng cầu xiêm huyện Tân Phú Đông, cho biết: "Cây mãng cầu xiêm đã thực sự tạo được thương hiệu cho vùng đất khó này. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con sản xuất theo VietGAP để có thể mở rộng thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con".

* CÂY XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

Ở Tiền Giang, nhắc đến cây sả, mọi người nghĩ đến Tân Phú Đông - vùng đất ưu đãi riêng có cho cây trồng này chứ không phải "phèn mặn quanh năm, cỏ phủ đầu người" như trước đây. Bởi, cây sả bây giờ được trồng ở khắp nơi. Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phú Đông, cây sả chịu hạn tốt, chi phí đầu tư, công chăm sóc ít, giá cả ổn định và có thể trồng nhiều vụ trong năm. Vì vậy, vài năm trở lại đây, nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng sả xen canh hoặc chuyên canh với gần 700ha, lợi nhuận bình quân đạt 70 triệu đồng/ha/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Các hộ trồng sả nơi đây cho biết, trồng sả khá đơn giản. Nếu thu hoạch lần thứ nhất không nhổ tận gốc và mỗi bụi người thu hoạch chừa lại khoảng 2 - 3 tép, nếu chăm sóc tốt, cây sả vẫn phát triển bình thường và cho năng suất cao như vụ thứ nhất. Giá từ 2.500 - 7.500 đồng/kg, thị trường tiêu thụ ổn định, so với trồng lúa ở vùng đất cù lao Tân Phú Đông, chi phí trồng sả giảm 1/3, lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần. Với những ưu điểm này, hiện tại, cây sả được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quà, tăng thu nhập, giúp người dân có thể bám trụ với vùng đất này. Lặt sả thuê cũng mang về thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn. Chị Mai Thị Nhỏ, xã Phú Thạnh, chia sẻ: "Trước đây, muốn đi làm phải qua tận các khu công nghiệp bên đất liền. Bây giờ, chỉ cần đến các điểm thu mua sả là đã có việc làm và có thu nhập không thua kém so với đi làm ở các khu công nghiệp. Vừa gần nhà, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình được tốt hơn. Mỗi tháng, tôi có thể kiếm được 2 triệu đồng từ công việc lặt sả thuê".

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, nói: "Hiện tại nhu cầu dùng cây sả làm hương liệu để chế biến thực phẩm khá lớn. Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông vừa ký kết với Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành, TP Hồ Chí Minh bao tiêu cây sả tươi cho nông dân mở ra triển vọng phát triển cho cây được xem là xóa đói, giảm nghèo hiệu quả này".

*BIỆT THỰ LÀNG TÔM

Nhắc đến chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông, không thể không nhắc đến những "biệt thự mini" nhờ con tôm. Hơn 10 năm trước, những đầm tôm hiện tại chỉ là những đầm hoang hoặc nuôi cá tự nhiên. Tuy nhiên, nhận thấy con tôm có thể làm "đổi đời" những số phận nơi đây, các ngành chức năng huyện khuyến khích và hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển nghề nuôi tôm.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tân Phú Đông, nhớ lại: Thời gian đầu kêu gọi nuôi tôm, bà con huyện nhà không ai dám đầu tư vào vì sợ thất bát, lâm vào cảnh đói nghèo. Lúc đó chỉ người dân bên Gò Công Tây và Gò Công Đông sang thuê ao hoặc mua đất cải tạo ao để nuôi tôm, tập trung chủ yếu tại xã Phú Tân. Thấy nuôi tôm có hiệu quả, người dân trong huyện mới dám cải tạo, đầu tư để nuôi. Vậy mà ngày nay, con tôm Tân Phú Đông đã góp phần xây nên những "biệt thự mi ni" nhờ người dân nhiều năm liền trúng mùa, được giá". Tính đến nay, diện tích nuôi tôm của huyện Tân Phú Đông đã lên đến hơn 4.200ha (chủ yếu nuôi theo hình thức công nghiệp và quảng canh) phát triển mạnh tại các xã Phú Tân, Phú Thạnh. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất: lúa - tôm, lúa - cá... cũng phát triển mạnh. Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp có tính bền vững được các ngành hữu quan hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích chuyển đổi phù hợp.

***

Bức tranh tổng thể của huyện cù lao Tân Phú Đông đã có những chuyển biến tích cực, với nhiều gam màu khác nhau. Cây mãng cầu xiêm, cây sả hay con tôm... đã minh chứng được hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng đất cù lao nhiễm phèn, mặn này. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tân Phú Đông đã và đang từng ngày thay đổi, phát triển để bắt nhịp với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, cũng như dần khẳng định vị thế của một huyện cù lao. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, khẳng định: "Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng là hướng đi đúng đắn mà chúng tôi quan tâm và thực hiện kể từ ngày mới thành lập huyện. Thực tế phải nhìn nhận, nhờ chuyển đổi đúng hướng, đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người chỉ cán mức 10 triệu đồng/người/năm, đến nay nâng lên 32,5 triệu đồng/người/năm".

Bài, ảnh: MINH TOÀN

Chia sẻ bài viết