13/10/2019 - 07:32

Khẳng định vai trò, vị thế kinh tế tư nhân 

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ vậy, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, sau Đại hội X (năm 2006), khi kinh tế tư nhân được xác định là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô. Từ định hướng đó, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam…

►Vị thế kinh tế tư nhân

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tháng 6-2017, đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả với những dự án lớn đang bị thua lỗ thì vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được đánh giá tích cực hơn. Chiến lược kinh tế của Đảng và Nhà nước đang hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn. Chính phủ cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

Việt Nam hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân. Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những tổng kết gần đây nhất cho thấy, kinh tế nước ta tăng trưởng khá vững chắc với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung bình trên 6%/năm. Các khu vực kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân (khu vực kinh tế ngoài quốc doanh) ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng cũng tăng, đóng góp gần 44% trong tổng thành phần kinh tế của nước ta. Như vậy, cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò to lớn, dự báo đến năm 2020, đà tăng trưởng vẫn tiếp tục. Các thành phần kinh tế tư nhân đã xuất hiện các tập đoàn, doanh nghiệp với quy mô lớn, có những doanh nhân trở thành tỉ phú tầm thế giới.

Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của các khu vực kinh tế, khu vực ngoài nhà nước có sự tăng trưởng liên tục, tăng khoảng 7,93%; trong khi đó, khu vực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nếu như trước đây có sự tăng trưởng cao hơn khu vực kinh tế trong nước thì những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI giảm đi về tốc độ tăng trưởng so với khu vực kinh tế tư nhân. Theo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2018, doanh nghiệp tư nhân đóng góp cao nhất so với các thành phần khác, ở mức 14,7%, doanh nghiệp FDI 13,1%, mặc dù đối tượng doanh nghiệp FDI rất lớn. Vị trí của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang  có sự phát triển rất mạnh mẽ. Các doanh nghiệp tư nhân hiện đã xuất hiện mô hình kinh doanh mang tính chất căn cơ, dài hạn hơn. Chẳng hạn, năm 2017, ngành chế biến chế tạo khu vực FDI đóng góp 54%, khu vực ngoài nhà nước đóng góp 35%, trong khi doanh nghiệp nhà nước đóng góp 11%... Trong lĩnh vực tài chính tín dụng, nếu như trước đây hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước, đến nay các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 51,5% trong thị trường huy động vốn, chiếm đến 49% tổng dư nợ (thống kê đến năm 2017).

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: Đảng và Nhà nước rất quan tâm và hỗ trợ tích cực cho đối tượng doanh nghiệp tư nhân. Tại địa phương, chính quyền luôn quan tâm trong hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; đặc biệt kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển. Nhờ đó, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển về số lượng và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh hơn nữa, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn ưu đãi và thông thoáng hơn nữa trong điều kiện kinh doanh.

►Thách thức và cơ hội

Theo các chuyên gia, xét về hiệu quả kinh doanh cho thấy, sự cải thiện của doanh nghiệp tư nhân vẫn còn tương đối chậm. Hiệu quả kinh doanh tính trên tỷ suất lợi nhuận còn thấp, do khu vực kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả các hộ kinh doanh nhỏ; tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ còn khá cao, chiếm gần 50%. Khuyến nghị đối với doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan cho rằng, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực đang đứng trước sức ép và động lực phải tạo cho được bước ngoặt mới trong phát triển. Do đó, cần chuẩn bị chiến lược mới cho năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây được xem là cơ hội để bàn bạc và quyết định cách đi mới đó là “Đổi mới hay là chết”.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa, cho biết: Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm chiến lược mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững và giá trị cho khách hàng. Trong chiến lược cạnh tranh ở giai đoạn mới, Phạm Nghĩa tập trung vào đổi mới và sáng tạo. Đó là tham gia sâu vào chuỗi giá trị, luôn tập trung vào các yếu tố đổi mới, chất lượng đầu ra và khâu phân phối. Định hướng phát triển sắp tới, công ty tận dụng tối đa những lợi thế hiện có để tạo giá trị bền vững, xây dựng đội ngũ nhân lực ngày càng chất lượng và tạo ra những sản phẩm tiện lợi với tiêu chí “cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm họ cần mà họ chưa biết”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Meko.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông tin, 9 tháng năm 2019, TP Cần Thơ có 1.115 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 9.900 tỉ đồng, thu hút 8 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9,3 triệu USD; thu hút doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt khá. Thành phố quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư 25.000 tỉ đồng… đây là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp của chính quyền thành phố đã đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ, nhất là đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đất đai, mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự để doanh nghiệp phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nhân, trong đó có các doanh nhân doanh nghiệp tư nhân hiện được đánh giá rất cao, có vai trò rất quan trọng trong xã hội, là nhân tố chính thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và quốc gia. Chính phủ đã rất quan tâm đến lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân thông qua hàng loạt các Nghị quyết, chính sách phát triển về kinh tế, nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ: Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, VCCI cũng tham gia tích cực thúc đẩy môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng và hiệu quả hơn khi tham mưu cho Chính phủ các quyết sách về kinh tế quốc gia.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, doanh nghiệp là tài sản của quốc gia, doanh nhân là nhân tài của đất nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, vai trò trung tâm thuộc về các doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ, nhiều ưu đãi, chưa kể họ ít đầu tư công nghệ cao, đôi khi làm tổn hại môi trường, do đó, nội lực, thể chế của kinh tế Việt Nam vẫn phải là doanh nghiệp nội địa. Để phát triển, các doanh nghiệp cần quan tâm đến đầu tư chất lượng cao về công nghệ và nguồn lao động, có như vậy mới thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Nhằm giúp Chính phủ điều hành đất nước, hỗ trợ doanh nghiệp tích cực, hơn hết chính doanh nghiệp phải góp ý, hiến kế cho Chỉnh phủ để có những quyết sách sát với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển kinh tế tư nhân là một nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực,… Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó khăn, cùng với đó là xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại... thì những chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư là rất cần thiết.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
kinh tế tư nhân