03/02/2019 - 19:32

Khẳng định công nghiệp hóa 

Hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ cùng với các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy hiệu lực, mở ra vận hội mới cho TP Cần Thơ trên tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các doanh nghiệp công nghiệp của thành phố đã và đang nỗ lực vượt qua thách thức, từng bước đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập…

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần May Tây Đô.

Nâng vị thế cạnh tranh

Dịp cuối năm, anh Hồ Minh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Ba Quang (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) vừa dẫn chúng tôi tham quan xưởng cơ khí của công ty, vừa thố lộ: “Tôi đang chuẩn bị hồ sơ năng lực để tham gia vào dự án lắp đặt dây chuyền sản xuất cho một công ty chuyên sản xuất mì ăn liền ở tỉnh Vĩnh Long. Nếu hồ sơ được duyệt, Công ty Ba Quang cùng phía đối tác sẽ hợp tác lâu dài để cung cấp các trang thiết bị máy móc phục vụ cho nhà máy”. Ban đầu Ba Quang là một cơ sở cơ khí quy mô gia đình, từ năm 2004 phát triển lên thành DNTN Ba Quang và đến năm 2009, chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Ba Quang. Cùng với quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động, các sản phẩm cơ khí của công ty không chỉ cung cấp cho thị trường Cần Thơ mà còn mở rộng ra khắp vùng ĐBSCL như: Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long… Để từng bước đáp ứng yêu cầu của khách hàng công ty cũng đã đầu tư các máy móc hiện đại như máy phay CNC 3 trục, máy tiện CNC, máy mài, máy cắt CNC… để sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ cho các nhà máy ngành chế biến thức ăn, thủy sản…

Thời gian qua, thành phố ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp điện tử, tin học, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản, cơ khí đóng tàu, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ là một số những doanh nghiệp đã năng động đi đầu trong việc ứng dụng mô hình khu nông nghiệp cao khép kín và lấy cây lúa làm chủ lực. Anh Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, chia sẻ: Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật tiên tiến nên sản phẩm của công ty luôn ổn định về chất lượng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài. Hiện nay, sản phẩm gạo của công ty đã xuất khẩu sang các thị trường như: Philippines, Malaysia, Hongkong, Trung Quốc, Singapore, Australia và một số nước Trung Đông.

Tính đến nay, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã thu hút được 240 dự án, các dự án thuê 399,78ha đất công nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,68 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,002 tỉ USD chiếm 59,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó có 216 dự án đầu tư trong nước, 23 dự án FDI và 1 dự án ODA đang hoạt động. Các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng công nghiệp và nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong KCN hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể cho ngân sách thành phố và hiện đang giải quyết việc làm cho trên 32.500 lao động.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu của Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải.

Đón thời cơ

Là doanh nghiệp có số lao động lên đến 1.600 công nhân, anh Nguyễn Hậu Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô, chia sẻ: May Tây Đô chuyên gia công xuất khẩu là chính. Đến nay, các khách hàng chính của công ty tập trung ở các thị trường Mỹ, chiếm 45%, còn lại là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, công ty còn tập trung kinh doanh và phát triển thương hiệu Tây Đô tại thị trường nội địa. Trong giai đoạn hiện nay, công ty rất mong liên kết với các sở, ngành hữu quan trong công tác đào tạo lao động nhằm thu hút nguồn lao động có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng.

Trả lời cho câu hỏi làm gì để tăng năng lực cạnh tranh trước xu hướng hội nhập, anh Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, chia sẻ: Hiện nay, công ty đã khép kín từ khâu nghiên cứu chọn lọc giống đến điều hành tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến theo quy trình công nghệ tiên tiến và xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Vùng nguyên liệu của công ty có diện tích lên đến 5.600ha tập trung sản xuất các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao với sản lượng trung bình hằng năm đạt khoảng 60.000 tấn. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư 5 nhà máy xay xát, chế biến gạo trang bị các máy móc hiện đại với công suất chế biến 700 tấn gạo/ngày và hệ thống kho với sức chứa trên 45.000 tấn. Từ nền tảng này, công ty đang góp phần nâng tầm vóc hạt gạo Việt trên thị trường trong nước và thế giới.

Năm 2018, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố tăng 8,15% so với năm trước. Dự kiến 2019, chỉ số phát triển công nghiệp này sẽ tăng 8,2% so với năm 2018 và tập trung tăng trưởng ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất phân phối điện, công nghiệp cấp nước, quản lý chất thải rắn. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Sở Công thương đang phối hợp rà soát lại danh sách các doanh nghiệp sản xuất chủ lực của thành phố; khảo sát đánh giá nhu cầu thị trường của các sản phẩm chủ lực. Từ đó nắm bắt kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia “Chương trình doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020” của thành phố theo tinh thần Quyết định 2792/QĐ-UBND (ngày 26-10-2017) của UBND thành phố. Qua đó góp phần tăng hàm lượng khoa học công nghệ cho các sản phẩm chủ lực của thành phố, phát triển năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập quốc tế.

Tháng 11-2018, UBND TP Cần Thơ công bố Dự án Khu Công nghiệp (KCN) Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản do Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ làm chủ đầu tư với diện tích 30ha (giai đoạn 1) nằm trong KCN logistics Hưng Phú 1 - Cụm A. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt thay đổi của TP Cần Thơ trong chiến lược thu hút đầu tư vào các KCN khi chuẩn bị sẵn quỹ đất công nghiệp sạch đã được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Khi các nhà đầu tư đăng ký vào KCN có thể triển khai ngay công tác xây dựng dự án và sớm đi vào sản xuất kinh doanh...

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Để tạo bước phát triển nhảy vọt, thành phố sẽ chọn lựa và ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp trọng điểm, những ngành có thế mạnh, tạo ra giá trị gia tăng cao, quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp cũng như thu hút đầu tư vào các KCN của thành phố và tạo ra tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết