18/01/2021 - 14:55

Khấm khá nhờ cây mãng cầu 

“Ai cần dùng sản phẩm mứt và trà mãng cầu dịp Tết này, tôi giao hàng tận nơi. Tôi đảm bảo chất lượng sản phẩm tự nhiên, không sử dụng phụ gia, chất bảo quản, giá bán phù hợp nữa”. Nghe chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm, ấp Thới Lộc, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai giới thiệu sản phẩm mứt và trà mãng cầu “nhà làm” thơm ngon, chúng tôi cảm nhận mùa xuân đang đến rất gần…

Chị Diễm với các sản phẩm mứt, trà mãng cầu “nhà làm”.  

Chị Diễm với các sản phẩm mứt, trà mãng cầu “nhà làm”.  

Thời điểm giáp Tết, chị Diễm không có thời gian nghỉ ngơi, vừa bận rộn thu hoạch mãng cầu bán cho thương lái, vừa vào cao điểm nhận đơn hàng mứt mãng cầu phục vụ thực khách dịp Tết Tân Sửu. Chị Diễm bộc bạch: “Tôi chọn trồng giống mãng cầu xiêm vì thích vị chua ngọt, dễ ăn, nhất là nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe. Loại trái này dễ trồng, ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, mau thu lợi nhuận, đầu ra ổn định, dù rớt giá cũng có lời”.    

Sau khi lấy chồng làm nghề lái xe nâng hàng công ty chế biến thực phẩm, chị Diễm làm tạp vụ tại Bệnh viện Ða khoa huyện Thới Lai. Do gia cảnh neo đơn, chị Diễm nghỉ việc ở nhà tìm việc thời vụ, chăm sóc mẹ và 2 con nhỏ ăn học. Năm 2018, qua theo dõi thời sự, thấy nhiều nhà vườn trồng mãng cầu xiêm đạt hiệu quả kinh tế, chị Diễm mượn mẹ 1,5 công đất vườn, trồng thử nghiệm 120 cây giống mãng cầu xiêm. Chị Diễm vui vẻ kể: Lúc mới trồng, cả vườn cây èo uột, chậm phát triển, vợ chồng tôi lo lắng, ăn ngủ không yên. Sau đó nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sau 18 tháng, chị Diễm thu hoạch và thương lái cân trái tại vườn. Năm 2019, mỗi tháng, chị Diễm bán 3 lần trái, mỗi lần 500kg, giá bình quân 18.000 đồng/kg. Theo chị Diễm, năm 2020, mãng cầu đầu vụ giá 28.000-30.000 đồng/kg và hiện là 20.000 đồng/kg. Mỗi năm, chị Diễm có lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng từ 1,5 công mãng cầu xiêm.

Năm 2020, phát huy hiệu quả kinh tế cây mãng cầu, chị Diễm mướn 4,5 công đất trong 10 năm (3 triệu đồng/công/năm), cải tạo vườn, đắp bờ trồng 100 cây ổi ruột trắng, 200 cây mãng cầu xiêm do chị tự ươm cây giống, 1.000 cây ớt; dưới ao nuôi các loại cá tra, trê, điêu hồng, ốc bươu, trồng bông súng. Chị Diễm đang bán ổi với giá 10.000 đồng/kg, ớt 80.000 đồng/kg, bông súng 2.000 đồng/kg (100 kg/tuần). Qua Tết Tân Sửu, vợ chồng chị bắt đầu áp dụng kỹ thuật cho cây mãng cầu đậu trái, thu hoạch vụ đầu tiên.    Hai năm nay, chị Diễm còn học hỏi cách chế biến mứt và trà mãng cầu, giới thiệu trên trang Facebook. Mứt, trà mãng cầu “nhà làm” của chị Diễm được bà nội trợ ưa thích khi chọn thực đơn Tết và được Việt kiều các nước xách tay làm quà tặng người xa xứ để gợi nhớ Tết quê nhà. Chị Diễm nói: “Tôi có cách chế biến mứt ngon, trà mãng cầu thơm, đảm bảo đúng quy trình, chất lượng sản phẩm, giá 130.000 đồng/kg mứt; 300.000 đồng/kg trà. Năm 2019, lượng trà mãng cầu tôi làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu, còn lợi nhuận mứt mãng cầu bán Tết là 8 triệu đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, ít Việt kiều về nước nên trà mãng cầu chủ yếu phục vụ thực khách trong nước”.

Ðể giữ uy tín sản phẩm, chị Diễm luôn tuân thủ quy trình chế biến, không vì lợi nhuận làm ăn qua loa, tắc trách. Chính vì vậy, tuy mới khởi sự kinh doanh nhưng chị Diễm đã có được  lượng khách hàng thân thiết gần, xa. Chị Diễm tính toán: việc kinh doanh suôn sẻ, kinh tế gia đình phát triển, chị sẽ tích lũy để mua đất, cất nhà ở ổn định, tạo điều kiện để các con học hành tấn tới. Chị Diễm mong được Hội, đoàn thể các cấp hỗ trợ giới thiệu rộng rãi sản phẩm làm từ mãng cầu của mình để việc tiêu thụ thuận lợi, ổn định hơn, thu hút nhiều hộ khác xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả.         

Chị Phạm Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Thắng, nói: “Diễm mạnh dạn đầu tư, chịu khó làm ăn, học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng, phát triển kinh tế gia đình. Quá trình sản xuất, Diễm sử dụng hiệu quả vốn vay chương trình giải quyết việc làm 50 triệu đồng, trong đó phát huy thế mạnh vườn mãng cầu xiêm, vừa bán trái, vừa chế biến các sản phẩm mứt, trà, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng gần, xa. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp kinh tế gia đình vươn lên khấm khá”.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
cây mãng cầu