20/05/2020 - 07:29

Khai thác tiềm năng, nâng tầm sản phẩm địa phương 

Với mục tiêu chuẩn hóa các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ thế mạnh để có thể cạnh tranh trên thị trường, TP Cần Thơ tích cực triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế nâng tầm sản phẩm địa phương, mở đường hướng phát triển các sản phẩm ra thị trường trong và ngoài thành phố...

Nhãn Ido xã Nhơn Nghĩa là một trong những sản phẩm đăng ký OCOP năm 2020 của huyện Phong Điền.

►Hiệu quả bước đầu

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ, cho biết: OCOP là chương trình phát triển kinh tế theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nhưng thực chất nặng về khoa học công nghệ và sản phẩm phải được chứng nhận về sở hữu trí tuệ. Vì vậy, trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đề án OCOP, thành phố khuyến cáo các địa phương lựa chọn các sản phẩm tham gia chương trình không nên tham vọng đến số lượng mà chú trọng đến chất lượng của sản phẩm.

Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt chọn 40 sản phẩm có tiềm năng, thuộc 4 nhóm thực phẩm, đồ uống, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Đây là những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương hoặc được thuần hóa, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ.

TP Cần Thơ đã tập trung triển khai chương trình OCOP gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi địa phương, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Theo đó, thành phố tổ chức 34 lớp tập huấn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác về phương án sản xuất kinh doanh nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế. Đồng thời, tổ chức 25 lớp tuyên truyền, vận động phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể. Qua đó, đã phát triển mới 22 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, hỗ trợ cho 3 cơ sở sản xuất nghề thủy sản truyền thống được chứng nhận VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của thị trường. Hỗ trợ xây dựng 2 mô hình áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP cho 1 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất lúa và 1 hợp tác xã về cây ăn trái. Xây dựng 15 chuỗi và xác nhận an toàn cho thêm hơn 50 sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố. Cuối năm 2019, thành phố đã xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố tại Hợp tác xã Nông sản xanh nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP, các hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hiệu quả.

Sau thời gian triển khai chương trình OCOP, đến nay, 9/9 quận, huyện của thành phố đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Là một trong hai sản phẩm thực hiện đăng ký OCOP năm 2019 của huyện Thới Lai, ông Nguyễn Văn Nà, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Noãn, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm sẽ được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, tạo được uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, được tham gia các hoạt động quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài thành phố là cơ hội để mở rộng kênh phân phối, tiếp cận với người tiêu dùng...

►Tập trung phát triển

Theo đề án OCOP năm 2020, TP Cần Thơ sẽ xây dựng phát triển 20 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 12 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, chiếm 60%; 5 sản phẩm OCOP thuộc nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, chiếm 25% và 3 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, chiếm 15%. Định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển thêm 20 sản phẩm.

OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Quyền   Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn là một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là phát huy thế mạnh vườn cây ăn trái của địa phương. Do đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Đối với các sản phẩm lựa chọn tham gia OCOP, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí những yêu cầu khắt khe mà OCOP đưa ra...

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn thành phố, với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện chương trình OCOP, ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ, cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ các địa phương xây dựng các sản phẩm đáp ứng tiêu chí của OCOP, Văn phòng phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát các sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tổ chức, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP thông qua các đợt hội chợ, triển lãm, hội nghị… Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố xây dựng website để quảng bá các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận của thành phố. Qua đó sẽ cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài thành phố…

20 sản phẩm OCOP Cần Thơ trong năm 2020 bao gồm:

Lươn thương phẩm xã Vĩnh Trinh, chả lụa Kim Ngân xã Thạnh An, gạo đỏ an toàn xã Thạnh Quới của huyện Vĩnh Thạnh. Xoài cát xã Thới Hưng, cơm rượu xã Trung Thạnh, lươn và mãng cầu Xiêm xã Thới Hưng của huyện Cờ Đỏ. Dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái, vú sữa xã Trường Long, nhãn Ido xã Nhơn Nghĩa thuộc huyện Phong Điền. Mắm cá các loại xã Trường Xuân, sầu riêng xã Trường Thành, nón lá xã Thới Thạnh, cần xé, bội từ mây, tre xã Trường Thắng của huyện Thới Lai.

Tranh gạo, kết cườm phường Cái Khế, giá mầm phường An Bình và du lịch quận Ninh Kiều. Cam xoàn, rau muống và làng nghề bánh kẹo Ba Rích phường Thới An, nhãn Ido và du lịch kết hợp hoa kiểng phường Thới Long, quận Ô Môn. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan từ lục bình phường Thường Thạnh, cá thát lát phường Phú Thứ, thanh nhãn phường Tân Phú, du lịch chợ nổi Cái Răng phường Lê Bình thuộc quận Cái Răng. Bánh tét phường An Thới, hoa kiểng phường Long Hòa, rau phường Long Tuyền, nấm bào ngư phường Thới An Đông, du lịch sinh thái Cồn Sơn phường Bùi Hữu Nghĩa thuộc quận Bình Thủy. Mắm, khô cá tra và du lịch sinh thái phường Tân Lộc, bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Tân Hưng, thúng, xề, rổ và Vườn cò Bằng Lăng phường Thuận An thuộc quận Thốt Nốt.

Bài, ảnh: L. MẪN

Chia sẻ bài viết