03/08/2011 - 21:49

Doanh nghiệp xuất khẩu TP Cần Thơ

Khai thác thế mạnh của thị trường truyền thống

Theo nhận định của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trên địa bàn TP Cần Thơ, năm 2011, tình hình xuất khẩu có nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ tập trung khai thác tốt thị trường truyền thống và tìm kiếm những thị trường mới, một số DN xuất khẩu đã đạt được kết quả khả quan...

Từ đầu năm 2011, giá nguyên, nhiên liệu, lãi suất ngân hàng liên tục tăng khiến các DN gặp khó trong ký kết hợp đồng xuất khẩu và ảnh hưởng đến lợi nhuận DN. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã xuất khẩu gần 90.000 tấn gạo các loại, đạt gần 50% kế hoạch năm. Sản lượng gạo mua vào gần 100.000 tấn, đạt gần 55% kế hoạch và sản lượng hàng hóa qua cảng 554.000 tấn, đạt 54% kế hoạch năm... Trong 6 tháng, doanh thu từ các ngành hàng kinh doanh của công ty xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, đạt gần 60% kế hoạch năm, nộp ngân sách 20 tỉ đồng”. Theo ông Trượng, mặc dù giá gạo xuất khẩu có tăng trong những tháng đầu năm, nhưng giá nguyên liệu đầu vào trong nước lại tăng nhanh hơn nên những DN nào ký hợp đồng xuất khẩu gạo rồi mua hàng sau sẽ không có hiệu quả. Tuy nhiên, các DN vẫn phải chấp nhận thu mua để có nguồn hàng cung ứng cho đối tác.

 Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Lương thực Sông Hậu xuất khẩu gần 90.000 tấn gạo các loại.

Ông Phan Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô cho biết, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty gần 33,6 tỉ đồng, đạt 52% kế hoạch. Mặc dù công ty dự báo tình hình sản xuất và xuất khẩu sẽ gặp khó trong năm 2011 do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đến thời điểm này, kết quả đạt được là rất khả quan nhờ khai thác tốt thị trường truyền thống, tận dụng uy tín và mối làm ăn lâu dài với các đối tác. Hiện nay, 40% sản phẩm của May Tây Đô xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu 40%, 20% còn lại là châu Á và thị trường nội địa. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, một số khách hàng mới từ các nước châu Á và châu Âu đã đến tìm hiểu để ký kết hợp đồng trong tương lai. Kế hoạch 6 tháng cuối năm, doanh thu hàng may xuất khẩu của May Tây Đô đạt xấp xỉ 37 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Thép Tây Đô, cho rằng, việc tập trung xuất khẩu sẽ giúp công ty cân đối hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Do một phần nguyên liệu phôi thép của công ty phải nhập từ nước ngoài nên việc đẩy mạnh xuất khẩu thép thành phẩm là phương cách tái tạo vốn hiệu quả, thu lợi về cho công ty. Hiện nay, xuất khẩu cũng là cách để ngành thép giải quyết bài toán đầu ra trong bối cảnh thị trường nội địa sụt giảm do ảnh hưởng của chính sách cắt giảm đầu tư công. Thị trường xuất khẩu của Thép Tây Đô tập trung chủ yếu là Campuchia, đây là thị trường quen thuộc và rất thuận lợi khi vận tải bằng đường thủy. Tính trong 6 tháng, sản lượng xuất khẩu thép của công ty đạt 4.500 tấn với giá trị trên 4,6 triệu USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Học, trong 6 tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu của Thép Tây Đô sang thị trường Campuchia sẽ khó do DN phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các DN cùng ngành hàng.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho rằng, bên cạnh những thị trường truyền thống là các nước khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia,... thì Mỹ, Anh, Úc là những thị trường cao cấp mới được mở rộng sau này. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu gạo vào thị trường châu Phi thông qua các tập đoàn thương mại lớn. Với những lợi thế do kinh doanh lâu năm, có bạn hàng và thị trường truyền thống ổn định nên trong 6 tháng cuối năm 2011, theo kế hoạch công ty sẽ phấn đấu xuất khẩu thêm 100.000 tấn gạo.

Theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ “Về kinh doanh xuất khẩu gạo”, thương nhân là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ được tham gia kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam. Như vậy, các DN kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước buộc phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cùng các thương nhân nước ngoài. Từ ngày 1-10-2011, DN nào không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ không được tham gia xuất khẩu. Do vậy, các DN xuất khẩu gạo luôn chủ động nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu của từng thị trường và cạnh tranh với các DN cùng ngành hàng. Theo các DN, trong điều kiện giá thành đầu vào tăng, nhưng khi đàm phán hợp đồng, DN xuất khẩu luôn cân nhắc vừa tăng giá bán sản phẩm mà vẫn giữ được mối làm ăn lâu dài. Các thị trường truyền thống là điều mà DN xuất khẩu đặc biệt chú trọng củng cố. Ngoài ra, một số DN đã nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới, trên cơ sở nắm bắt được những yêu cầu từ phía đối tác để có chiến lược tiếp cận hiệu quả, từng bước mở rộng thị trường.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết