11/09/2017 - 21:42

Khai mạc Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

(TTXVN)- Sáng 11-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 14 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của ba dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến. Đó là các dự án Luật Quy hoạch, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Phiên họp sẽ được tiến hành trong 8 ngày (từ ngày 11- 20/9), nhiều hơn 2 ngày so với dự kiến ban đầu do phát sinh thêm một số nội dung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN/vietnamplus.vn)
 

Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành nội dung làm việc đầu tiên với việc cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, về phạm vi điều chỉnh, thống nhất giữ lại phương án dự án Luật này điều chỉnh chung cho cả 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND và UBND). Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Nhấn mạnh về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là vấn đề lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trong ba phương án, giữ hai phương án để trình ra Quốc hội tiếp tục thảo luận, gồm: Phương án như Chính phủ trình và cho rằng phương án này thể hiện tính "đặc biệt" về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phương án hai đề nghị quy định Trưởng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là đại diện của chính quyền cấp tỉnh tại đơn vị đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao dự kiến sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, để khuyến khích các vận động viên yên tâm đóng góp cho thể thao thành tích cao, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng và nhất trí với việc bổ sung các ưu đãi trong dự thảo Luật. Nội dung giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

TTXVN

Chia sẻ bài viết