16/12/2013 - 22:40

KHAI MẠC HỘI NGHỊ NGOẠI GIAO LẦN THỨ 28

(TTXVN)- Sáng 16-12, hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề "Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hội nghị Ngoại giao 28 được tổ chức trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 có nội dung rất quan trọng là kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong các năm tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 8 nhiệm vụ cụ thể ngành ngoại giao cần tập trung làm tốt trong thời gian tới. Trong đó, ngành ngoại giao cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cần kiên trì xử lý đúng đắn vấn đề biên giới lãnh thổ, từng bước giải quyết một cách hòa bình các vấn đề tồn tại, nhận thức khác nhau trên biển Đông, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng DOC và nỗ lực góp phần, thúc đẩy xây dựng COC.

Tổng Bí thư lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, góp phần nâng cao vai trò, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, kịp thời nắm bắt đúng xu thế phát triển của tình hình, góp phần tạo thế chủ động cho đất nước. Mọi hoạt động đối ngoại đều phải được xem xét trên quan điểm tổng thể, lấy lợi ích cơ bản và lâu dài của quốc gia, dân tộc làm nền tảng; cần tính đến sự tác động qua lại lẫn nhau giữa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giữa lợi ích quốc gia và đoàn kết quốc tế; giữa đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa Trung ương và địa phương, sao cho hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau.

Chia sẻ bài viết