Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng với hoạt động của tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục CNLĐ, đảm bảo định hướng thống nhất nội dung và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục từ Trung ương đến cơ sở, nhằm tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với công nhân và Công đoàn. Nhà nước cần đầu tư và có chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và tổ chức hoạt động của các nhà văn hóa lao động, câu lạc bộ công nhân, hệ thống truyền thông đại chúng, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, khu nhà trọ đông CNLĐ, tạo môi trường lành mạnh để xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
|
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều khiển phiên thảo luận tại Đại hội. Ảnh: TTXVN |
“Một số kiến nghị và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng” là nội dung tham luận do đồng chí Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trình bày. Đồng chí khẳng định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, các cấp ủy đảng và người đứng đầu phải thực sự coi công tác phòng chống tham nhũng là một trọng tâm công tác lớn của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, công chức và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng và tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân đối với công tác này. Đồng chí Vũ Tiến Chiến cũng đề nghị cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, giải pháp phòng chống tham nhũng. Cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật; nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và phát huy vai trò của xã hội trong phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế về công tác này.
Tham luận của PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thiết thực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Giải pháp quan trọng để rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên” khẳng định cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, gắn liền với ý chí tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở tổng kết việc triển khai cuộc vận động trong bốn năm qua, đồng chí đề xuất sáu phương hướng và giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động. Theo đó, tiếp tục khẳng định chủ trương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cần khắc phục tư tưởng nóng vội, giản đơn và tư tưởng do dự, thụ động, thiếu tích cực và quyết tâm trong tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nghiên cứu để sớm ban hành chương trình toàn khóa XI của Cuộc vận động, gắn với nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ trong cuộc vận động; chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền về các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, huy động sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng Đảng.
Tại phiên họp sáng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tham luận về chủ đề “Xây dựng lực lượng công an nhân dân”. Tham luận tại Đại hội, đồng chí Võ Đức Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Đoàn đại biểu Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh vai trò chủ lực, nòng cốt của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng để giữ vững vị trí then chốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Trịnh Long Biên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham luận về chủ đề “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát - giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Đồng chí Niê Thuật, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắc Lắc tham luận với nội dung “Tăng cường đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường”. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham luận về vấn đề “Thực hiện bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.
Chiều 14-1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI làm việc tại Hội trường, các đại biểu tham luận, góp ý kiến vào nội dung các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều khiển phiên họp.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã trình bày tham luận với nội dung “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, khẳng định mục tiêu mà dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có thanh niên với tư cách là “lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để thanh niên thực hiện tốt vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước mong Đảng lãnh đạo và tạo điều kiện để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt những giải pháp về đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng thanh niên. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tổ chức có hiệu quả phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” rộng khắp trong tuổi trẻ cả nước để phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên trong lao động sáng tạo, sản xuất kinh doanh góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng trước một bước”, Đoàn thanh niên không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn và chất lượng đội ngũ cán bộ, thường xuyên giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú có chất lượng...
Với chủ đề “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh từng bước phát triển nền kinh tế tri thức”, đồng chí Châu Văn Minh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng để phát triển nền kinh tế tri thức cần phải có đội ngũ trí thức nhiều về số lượng và cao về chất lượng, đồng thời phải có cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Cần giải quyết đồng bộ một số giải pháp: Tập trung đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KHCN, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường sức cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền; tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh, đồng thời xây dựng cơ chế hiệu quả nhằm hỗ trợ các sản phẩm nghiên cứu và phát triển công nghệ trở thành sản phẩm hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của các lĩnh vực kinh tế- xã hội...
Đề cập vấn đề “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững”, đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định: Trong suốt chặng đường 81 năm, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sức mạnh văn hóa đối với sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Tuấn Anh, do những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, lĩnh vực văn hóa cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của dân tộc. Cần phải có những giải pháp khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, đi đôi với việc phát huy những thành tựu cơ bản đã đạt được, làm cho văn hóa thực hiện được sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp chung là mối quan tâm thường xuyên thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Cũng trong phiên họp chiều 14-1, các đồng chí: Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày tham luận về “Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tham luận về “Một số vấn đề nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị”; Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng trình bày tham luận “Về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực trạng và giải pháp”; Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về “Chế độ công hữu và sở hữu toàn dân về đất đai”.
Như vậy, sau 2 ngày thảo luận, góp ý kiến vào nội dung các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, đã có 27 đại biểu phát biểu, tham luận tại Hội trường. Các tham luận, ý kiến còn lại sẽ được gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội.
Cũng trong phiên họp chiều 14-1, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đoàn thư ký Đại hội thông báo: Đến hết ngày 13-1-2011, Đại hội XI của Đảng ta đã nhận được 158 điện mừng của các đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.
Hôm nay, Đại hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.