31/01/2021 - 08:18

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

Năm 2020, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều giảm so với năm trước. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Cần Thơ đã nỗ lực trong hoạt động, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, thử thách của dịch bệnh COVID-19. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 13,61% đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, lãnh đạo các TCTD đều khẳng định sẽ tiếp tục song hành cùng DN trong năm mới.

DN kỳ vọng ngân hàng luôn cùng đồng hành. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May Meko kiểm tra sản phẩm.

Ngân hàng - doanh nghiệp cùng tiến

Hệ thống ngân hàng TP Cần Thơ hiện có 47 chi nhánh ngân hàng và 7 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động (gọi chung là TCTD), tăng 1 chi nhánh là Ngân hàng TNHH Một thành viên Shinhan chi nhánh Cần Thơ. Theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, vốn huy động của các TCTD đến cuối năm 2020 đạt 87.043 tỉ đồng, tăng 7,07% so với cuối năm 2019 và chỉ đáp ứng được 83,89% nguồn vốn cho vay. Kết quả tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước, với mức tăng 13,61% so với cuối năm 2019 (cả nước tăng 12,13%).

Cụ thể, tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 đạt 103.762 tỉ đồng. Theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các TCTD trên địa bàn đã quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 28.474 tỉ đồng, chiếm 27,44% tổng dư nợ, tăng 6,6% so với cuối năm 2019. Cho vay xuất khẩu 12.721 tỉ đồng, chiếm 12,26% tổng dư nợ, tăng 12,55%; dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa 24.768 tỉ đồng, chiếm 23,87% tổng dư nợ, tăng 33,23% so với cuối năm 2019; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 121 tỉ đồng, tăng 30,11% so với cuối năm 2019… Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 5,5-8%/năm; trung, dài hạn từ 8-10%/năm…

Ông Trần Long Giang, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Ðến ngày 31-12-2020, tổng dư nợ cho vay của VCB Cần Thơ là 12.860 tỉ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2019. Huy động vốn tăng 11%; lợi nhuận tăng 28% so với năm trước. Chi nhánh cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay, giãn nợ cho khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN”.

Theo lãnh đạo của BIDV Chi nhánh ÐBSCL, BIDV đã 5 lần giảm lãi suất cho vay cho khách hàng (tổng mức giảm 1-2%/năm), đồng thời triển khai nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chi nhánh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 400 khoản vay, với tổng dư nợ gần 450 tỉ đồng, chi nhánh đã hỗ trợ cho khách hàng gần 14 tỉ đồng tiền lãi suất…

Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn cũng đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho vay, nhằm tháo gỡ khó kịp thời cho DN.

Đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, thực hiện Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 9-7-2020 của UBND TP Cần Thơ về hỗ trợ DN, Chi nhánh đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến cuối năm 2020 đạt 37.728 tỉ đồng cho hơn 7.766 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ðến cuối tháng 12-2020, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay là 1.064 tỉ đồng cho hơn 764 khách hàng bị thiệt hại. Song song đó, các TCTD cũng tích cực xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống và không phát sinh nợ xấu ở lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 mới đây, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho rằng dù khó khăn nhưng các TCTD trên địa bàn đã nỗ lực đạt kết quả tăng trưởng tín dụng khá tốt. Năm qua tổ chức được 2 cuộc kết nối ngân hàng - DN, đã gỡ khó cho DN rất lớn. Do vậy, năm 2021, đề nghị NHNN Chi nhánh tiếp tục tổ chức kết nối ngân hàng - DN. Thành phố có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, nhưng sự gắn kết giữa ngân hàng thương mại với đơn vị này vẫn chưa được kết nối chặt chẽ. Thành phố mong rằng, sự kết nối năm mới sẽ tốt hơn để thúc đẩy hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DN. Ðồng thời xem xét rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, năm 2020, hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao, nợ xấu giảm so với năm trước. Nợ xấu trên địa bàn chiếm 0,99% trên tổng dư nợ cho vay, mức thấp nhất trong những năm gần đây nhưng tiềm ẩn rủi ro còn cao.

Ðể đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng năm 2021 và hỗ trợ nền kinh tế, ông Trần Quốc Hà đề nghị các TCTD tiếp tục hỗ trợ DN một cách tốt nhất, đảm bảo cung ứng vốn ra thị trường đi đôi với kiểm soát chất lượng tăng trưởng. Chi nhánh sẽ sớm tổ chức kết nối ngân hàng - DN, các TCTD cần tuân thủ quy định cho vay vốn, cạnh tranh lành mạnh. Các TCTD không được chèn ép khách hàng mua bảo hiểm khi đến ngân hàng vay vốn. Rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cho vay, đồng thời tăng cường cho vay vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, minh bạch thông tin, đảm bảo an toàn hệ thống và không để nợ xấu phát sinh.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết