13/04/2019 - 16:51

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019

Kết nối du khách đến với các địa phương 

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ (lễ hội) mới đi vào hoạt động trong hai ngày đã thu hút đông đảo khách từ các tỉnh, thành khác về Cần Thơ. Sự đa dạng của các gian hàng, phong phú với nhiều bánh trái ngon cùng nhiều trải nghiệm hoạt động hấp dẫn, đưa lễ hội trở thành sự kiện kết nối du khách đến với các địa phương.

Khu trưng bày, trình diễn bánh dân gian Nam bộ thu hút nhiều du khách đến xem và chụp ảnh.

Khu trưng bày, trình diễn bánh dân gian Nam bộ thu hút nhiều du khách đến xem và chụp ảnh. 

Ngày cuối tuần, lễ hội càng trở nên náo nhiệt khi rất đông người từ khắp các tỉnh, thành đến tham quan và thưởng thức các loại bánh ngon. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Hà Nội) nói: “Nghe thông tin về lễ hội, tôi đã sắp xếp đến Cần Thơ để thưởng thức các loại bánh. Bánh dân gian Nam bộ nhiều vô kể, không chỉ vậy tôi có thể được gặp gỡ những nghệ nhân, những thợ làm bánh, xem họ trình diễn”. Chị Trần Thị Thanh Hà (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ở lễ hội này có nhiều loại bánh lạ, nhiều loại bánh đã không còn phổ biến. Nhiều loại bánh lần đầu tôi biết đến. Lễ hội này rất ý nghĩa vì mình còn giữ được những chiếc bánh quê, nuôi dưỡng được những giá trị truyền thống...”.

Với khoảng 220 gian hàng, lễ hội có nhiều khu trưng bày bánh, trình diễn, không gian trải nghiệm hấp dẫn không ít người tham quan. Du khách Lê Thanh Tú đến từ An Giang, nói: “Mình đến lễ hội này 2 lần rồi, thích nhất là khi xem các nghệ nhân trình diễn. Qua đó mình biết thêm nhiều về các loại bánh. Mình thấy bánh ở lễ hội lần này có sự đa dạng sắc màu hơn, đặc biệt là họ sử dụng các nguyên liệu màu từ cây cỏ thiên nhiên. Như vậy thì người tiêu dùng cũng cảm thấy an tâm khi sử dụng”.

Thực tế, bánh dân gian năm nay rất bắt mắt với nhiều sắc màu từ nguyên liệu thảo mộc. Những chiếc bánh quê được biến tấu, sáng tạo về kiểu dáng, hình thức mang đến cho chiếc bánh đủ sự tinh tế về sắc lẫn hương vị. Nhiều du khách bị hấp dẫn bởi chiếc bánh xèo đa sắc của ông Phạm Bửu Việt đến từ  Câu lạc Bộ Bếp ngon Phương Nam, hay bánh tằm se ngũ sắc, bánh xếp ngũ sắc của nghệ nhân Chín Chiều, chiếc bánh nghệ kỳ công Gò Công của nghệ nhân Năm Lâm… Chú Trần Hoàng Lâm (Vĩnh Long) nói: “Cái hay ở đây là tôi thấy mấy nghệ nhân rất chú trọng làm thủ công và họ cũng rất sẵn lòng chia sẻ bí quyết khi ai đó hỏi. Đây là cách trao đổi rất thiết thực, hiệu quả. Nghệ nhân Trần Thu Hồng (Bạc Liêu) vui vẻ cho biết: “Tham gia lễ hội thì cô muốn giới thiệu món bánh tằm xíu mại đặc trưng của quê hương Hồng Dân đến với mọi người, nên ai hỏi cô sẽ sẵn sàng chia sẻ. Nghề bánh làm cực lắm nhưng mình phải quý trọng giữ gìn vì truyền thống của ông bà”. Trong khi đó, chú Năm Lâm (tên đầy đủ là Lê Văn Kỷ) ở Tiền Giang, hồ hởi nói: “Bánh nghệ Gò Công ngày nay ít người làm lắm, nên ai hỏi là chú sẵn sàng chỉ liền. Mình vui lắm chứ vì có người quan tâm bánh mới không thất truyền”.

Nghệ nhân Năm Lâm biểu diễn món bánh nghệ Gò Công. 

Không gian chè Nam bộ cũng thu hút đông đảo du khách. Đây là gian hàng do Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ thực hiện với nhiều hoạt động: chế biến, nấu chè, bán chè; trưng bày - trải nghiệm các món chè đặc trưng của Nam bộ với khoảng 15 loại chè đặc trưng. Vào các khung giờ cố định các giáo viên của trường sẽ hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm; đồng thời các MC thực hiện lối rao chè, hò đối đáp về chè, cùng các trò chơi hoạt náo có thưởng (mời khách cùng rao chè…). Bạn Nguyễn Thị Thanh Trà (Ninh Kiều, Cần Thơ) nói: “Đây cũng được xem là hoạt động giải trí dân dã, các hoạt náo viên thân thiện, giúp cho không khí lễ hội cũng náo nhiệt hơn, phù hợp với những người trẻ như mình”. Ths. Nguyễn Minh Thơ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Qua hoạt động này, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ mong muốn góp phần đưa các món ăn truyền thống, dân dã Nam bộ, đặt biệt là các món chè Nam bộ vào thực đơn của các nhà hàng để phục vụ cho thực khách góp phần quảng bá được ẩm thực của Cần Thơ. Sau sự kiện này, Trường sẽ tăng cường hơn nữa những món chè và các món ăn đặc sản của Nam bộ vào chương trình giảng dạy của Khoa Quản trị Chế biến món ăn, giúp các đầu bếp tương lai có thực đơn phong phú, mà vẫn giữ được tính truyền thống, đậm chất dân dã Nam bộ, góp phần bảo tồn được món ăn Nam bộ phục vụ cho phát triển du lịch của Cần Thơ”.

Các gian hàng tại lễ hội có sự đa dạng hấp dẫn từ nhiều vùng miền, từ Hà Nội, Bình Phước đến Tiền Giang, Đồng Tháp… Du khách Đoàn Minh Ngọc (Hậu Giang) nói: “Tại lễ hội này không chỉ có bánh Nam bộ mà tôi còn tìm được nhiều điều hấp dẫn qua các gian hàng của các tỉnh, thành khác. Ở gian hàng của Hà Nội có nhiều hoạt động trình diễn khá hấp dẫn như gói bánh chưng, nặn tò he…Tôi cho rằng việc để nhiều tỉnh, thành cùng tham gia thế này rất hay vì văn hóa truyền thống của các địa phương được giới thiệu sẽ đến gần du khách hơn”. Ở một không gian khác, các gian hàng dịch vụ cũng thu hút không ít du khách với nhiều hoạt động đa dạng: trình diễn ẩm thực của Đông Hà Fortuneland, hay giới thiệu món ăn dân dã đặc trưng Nam bộ ở gian hàng khách sạn Victoria, hay các món bánh độc đáo từ của Nhà hàng Nam Bộ…Bà Châu Thị Y Khoa, Quản đốc khách sạn Victoria Cần Thơ, cho biết: “Lần này đến với lễ hội chúng tôi mang đến nhiều món ăn đặc sản ở Cần Thơ, An Giang, Phan Thiết đến với du khách. Tại đây thì đơn vị cũng có nhiều  voucher ưu đãi dành cho du khách khi sử dụng các dịch vụ ở hệ thống khách sạn Victoria. Khách sạn Victoria Cần Thơ đã đồng hành cùng lễ hội trong nhiều năm và chúng tôi kỳ vọng sự kiện từng bước có nhiều đổi mới, tạo được bản sắc riêng, góp phần vào việc phát triển du lịch Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Cho đến nay, lễ hội đã kết nối được rất nhiều du khách đến các địa phương”.

Lễ hội vẫn còn đang tiếp diễn và không ngừng thu hút du khách về Cần Thơ. Qua nhiều năm tổ chức, lễ hội đã dần tạo được thương hiệu với những bản sắc văn hóa riêng, từng bước mang những tinh hoa dân gian ở Nam bộ lến cấp độ mới, tạo được sự lan tỏa và kết nối hiệu quả đến với du khách gần xa.

84 nghệ nhân thi tài làm bánh dân gian

Nghệ nhân dân tộc Chăm đến từ An Giang chế biến bánh namparang dự thi. 

(CT)- Hội thi Bánh dân gian trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019 đã khai mạc sáng 13-4 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ. Hội thi do Cục Văn hóa cơ sở- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức.

Đây là lần đầu tiên hội thi được mở rộng ra quy mô toàn quốc, với chủ đề “Bánh dân gian Việt Nam, hội nhập và phát triển”. Hội thi thu hút 30 đội thi, gồm 84 nghệ nhân với 70 món bánh được trình diễn và thi tài. Ngay sau lễ khai mạc, các nghệ nhân đến từ Tiền Giang, An Giang, Bình Phước, Bạc Liêu và Cần Thơ đã chế biến dự thi 11 loại bánh dự thi. Các món bánh cho thấy tài hoa của nghệ nhân, đặc biệt là sự góp mặt của nhiều loại bánh ngon giờ hiếm gặp như bánh tằm se tay Ngan Dừa (Bạc Liêu), bánh nghệ Gò Công (Tiền Giang), bánh giá hạt điều (Bình Phước)… Các sản phẩm dự thi còn cho thấy sự sáng tạo từ nguyên liệu “cây nhà lá vườn”, làm nên món ngon đậm đà bản sắc.

Hội thi diễn ra đến ngày 16-4.

Tin, ảnh: Duy Khôi

 

Bài, ảnh: Ái Lam

Chia sẻ bài viết