04/12/2015 - 09:00

Kéo co Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

 * Đồng Tháp: Đề cử Làng hoa kiểng Sa Đéc và Nghề dệt choàng là Di sản quốc gia

(CT)- Tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia vào tối 2-12 (giờ Việt Nam), nghi lễ và trò chơi kéo co của các nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philipphines chính thức được vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại. Đây là hồ sơ Di sản đa quốc gia đầu tiên mà Việt Nam tham gia đệ trình và được thông qua, và là DSVHPVT đại diện của nhân loại thứ 10 của Việt Nam.

Ở Việt Nam, nghi thức và trò chơi kéo co tồn tại trong đời sống nhân dân khắp 3 miền nhưng phổ biến nhất là vùng Đồng bằng Sông Hồng và trung du Bắc Bộ. Đây là trò chơi mang ý nghĩa tạ ơn trời đất sau một vụ mùa, dịp hội hè; thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức. Hồ sơ này được Việt Nam tiến hành kiểm kê năm 2013. Trước đó, Kéo co của người Thái (Lai Châu), Lễ hội Kéo co làng Hữu Chấp (Bắc Ninh)… đã được công nhận DSVHPVT quốc gia.

 UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có chủ trương đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Làng hoa kiểng Sa Đéc và Nghề dệt choàng là DSVHPVT cấp quốc gia.

Nông dân Sa Đéc chăm sóc hoa kiểng.

Làng hoa kiểng Sa Đéc phần lớn thuộc xã Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tồn tại gần 100 năm qua. Hiện có gần 200 héc-ta đất của Sa Đéc trồng hoa kiểng, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế vừa tạo nét văn hóa riêng cho vùng đất này. Còn Làng nghề dệt choàng thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, ra đời vào những năm đầu thế kỷ XX. Hiện nay, làng nghề có hơn 50 hộ với 120 khung dệt đang hoạt động, chủ yếu dệt choàng (một loại khăn dùng choàng cổ) và vải mùng. Sản phẩm của làng nghề hiện được xuất khẩu và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Đồng Tháp.

Tin, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết