27/04/2008 - 22:07

"Kẽ hở" trong hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất

Phát hiện diện tích nhà, đất của mình (ổn cư trong nhiều năm liền) bị em ruột là ông Lê Nguyễn Chí Tâm (ngụ khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) kê khai bao trùm, bà Lê Thị Kim Duyên có đơn khiếu nại. Bà Duyên cho rằng: Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất (QSDĐ) của ông Tâm có sai phạm về mặt thủ tục. Vì sao như vậy?

Theo bà Lê Thị Kim Duyên trình bày: Nhà và đất của gia đình bà (khoảng 200m2 đất, tọa lạc tại khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn). Phần đất này có nguồn gốc là của cha bà (ông Lê Văn Đức) cho; sau đó, bà cất nhà ở ổn định từ năm 1994 đến nay. Năm 2002, cha bà chết. Khoảng giữa năm 2007, em út của bà là ông Lê Nguyễn Chí Tâm “câu kết” với cán bộ địa chính phường (Lê Hoàng Dũ) và tư pháp phường (Nguyễn Minh Song Bằng) làm thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất (QSDĐ) và đã được UBND quận Ô Môn cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Sau đó, ông Tâm khởi kiện đòi đất, bà mới biết diện tích nhà và đất của mình nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ của ông Tâm. Vì thế, bà khiếu nại, nhờ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định...

Hồ sơ đăng ký thừa kế QSDĐ có vấn đề!

Năm 2002, ông Lê Văn Đức chết. Khoảng tháng 3-2007, hai người con ông Đức là bà Lê Thị Kim Duyên và ông Lê Nguyễn Chí Tâm lập thủ tục đăng ký thừa kế QSDĐ. Trong đó, bà Duyên được hưởng 1.544m2 đất (tọa lạc tại khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long) và ông Tâm được hưởng 1.855m2 đất, bao gồm 2 thửa 1133 (diện tích 1.249m2 đất lâu năm khác, trong đó, bao gồm diện tích nhà và đất của bà Duyên hiện đang sử dụng) và thửa 1127 (diện tích 300m2 đất thổ cư và 306m2 đất lâu năm khác). Hồ sơ đăng ký thừa kế này được ông Nguyễn Minh Song Bằng, cán bộ tư pháp phường và ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường, ký xác nhận về phần thủ tục thừa kế. Riêng đơn xin đăng ký thừa kế QSDĐ thì do ông Lê Hoàng Dũ, cán bộ địa chính phường và ông Võ Sanh Kim, Chủ tịch UBND phường, ký xác nhận. Hoàn tất thủ tục tại phường, hồ sơ được chuyển đến Văn phòng Đăng ký QSDĐ quận Ô Môn. Ngày 18-9-2007, UBND quận Ô Môn ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Duyên (1.544m2) và ông Tâm (1.855m2) đứng tên.

Nhà và đất của bà Lê Thị Kim Duyên đã ổn cư trong nhiều năm liền. 

Phát hiện diện tích nhà và đất của mình bị bao trùm, bà Duyên có đơn khiếu nại, cho rằng: “Tôi không có ký tên vào các văn bản, giấy tờ, để ông Tâm được hợp thức hóa phần đất 1.855m2 (trong đó, bao gồm diện tích nhà và đất mà gia đình tôi đã ổn cư trong nhiều năm nay. Mặt khác, hồ sơ đăng ký thừa kế QSDĐ của ông Tâm có vấn đề ở chỗ: bỏ sót 1 thành viên trong gia đình là bà Lê Thị Kim Thúy, hiện đang định cư ở nước ngoài mà vẫn chưa được địa phương tiến hành thủ tục thừa kế”.

Chúng tôi đến UBND phường Long Hưng để tìm hiểu thực hư của sự việc. Ông Nguyễn Minh Song Bằng, nguyên cán bộ tư pháp phường Thới Long, nay là cán bộ tư pháp phường Long Hưng, cho biết: “Bộ phận “một cửa” có tiếp nhận hồ sơ xin nhận thừa kế của ông Tâm và bà Duyên. Qua thẩm định của cán bộ chuyên môn, do trong hồ sơ không ghi tài sản phân chia nên đã trả hồ sơ để các đương sự tự phân chia; đồng thời, hướng dẫn các đương sự đến bộ phận chuyên môn (địa chính) để được hướng dẫn tách thửa theo sự phân chia của gia đình. Sau khi thực hiện xong phần đo đạc phân chia tài sản thừa kế của ông Đức, ngày 6-6-2007, bộ phận “một cửa” kiểm tra đầy đủ thủ tục, chuyển đến bộ phận chuyên môn tiến hành cho các đương sự mở thừa kế theo trình tự quy định pháp luật. Phần văn bản nhận tài sản của bà Duyên đã khai nhận diện tích 1.544m2 đất (thuộc thửa 510, tờ bản đồ 05, đất tọa lạc tại khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long); đồng thời, bà Duyên trực tiếp ký vào văn bản và sổ chứng thực số 286, quyển số 1 ngày 6-7-2007. Trong văn bản từ chối nhận tài sản thừa kế, bà Duyên khai từ chối nhận tài sản thừa kế 1.855m2 đất (thuộc 2 thửa 1130 và 1127) - phần diện tích đất này, ông Tâm là người nhận di sản thừa kế. Hồ sơ nêu trên đã được UBND phường Thới Long thông báo và niêm yết tại trụ sở UBND phường thời gian 30 ngày (kể từ ngày 6-7-2007 đến ngày 6-8-2007). Sau 30 ngày, không ai tranh chấp nên UBND phường đã chứng thực hồ sơ xin nhận thừa kế của bà Duyên và ông Tâm theo quy định. Qua quá trình chứng thực văn bản mở thừa kế tài sản của ông Đức, các con gồm: Lê Thị Kim Hoàng; Lê Thị Kim Thoa; Lê Chí Phúc; Lê Thị Kim Duyên và Lê Nguyễn Chí Tâm trực tiếp ký tên vào văn bản. Tuy nhiên, các thành viên này không cung cấp thông tin gì thêm, chỉ khai ông Đức có 5 người con”.

Vì lợi ích cá nhân khai man!

Nói về nội dung khiếu nại của bà Duyên, ông Võ Sanh Kim, Chủ tịch UBND phường Long Hưng, cho biết: “Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Duyên, chúng tôi đã đi xác minh thực tế và kết quả là đúng như nội dung khiếu nại của bà Duyên”. Theo lý giải của ông Võ Sanh Kim: “Do quá trình chứng thực các thành viên trong gia đình không khai thành thật, nhất là 2 người nhận di sản thừa kế của ông Đức là bà Duyên và ông Tâm để được chứng thực tại phường. Trước sự việc trên, ngày 21-4-2008, UBND phường đã có tờ trình gởi UBND quận Ô Môn xem xét, giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xác minh, làm rõ mức độ sai phạm của cán bộ và có biện pháp xử lý theo quy định”.

Nhằm qua mặt chính quyền địa phương, cả bà Duyên và ông Tâm cũng không cung cấp thông tin chính xác về các thành viên trong gia đình, để hoàn tất thủ tục nhận phần di sản thừa kế. Tuy nhiên, đến khi phát hiện nhà và đất của mình nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ của ông Tâm, vì lợi ích cá nhân, bà Duyên có đơn khiếu nại, cho rằng hồ sơ đăng ký thừa kế QSDĐ có sai phạm.

Qua vụ việc này, chính quyền địa phương cũng cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những cán bộ sai phạm, đừng tạo kẽ hở để người dân có thể qua mặt chính quyền, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của luật pháp.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Ông Tạ Thanh Bình, Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ quận Ô Môn, cho biết: Khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai) có quy định về việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật. Theo đó, cơ quan, tổ chức, công dân phát hiện giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp trái pháp luật thì gởi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận (cụ thể trong trường hợp này là UBND quận Ô Môn). Sau đó, UBND quận sẽ có văn bản giao Thanh tra quận tiến hành xác minh, làm rõ. Nếu qua thẩm tra có kết luận là giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.   

Chia sẻ bài viết