24/07/2014 - 14:55

ISO-Công cụ phục vụ đắc lực cho công tác cải cách hành chính

Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 phiên bản 2000 và 2008 (gọi tắt là ISO) là một trong những công cụ hỗ trợ đáng kể cho việc công khai, minh bạch hóa quy trình, thủ tục giải quyết công việc theo yêu cầu của tổ chức và công dân. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2013 TP Cần Thơ là 1 trong 8 địa phương được Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Bằng khen đã có thành tích trong quá trình triển khai thực hiện việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước...

Ở TP Cần Thơ, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 (phiên bản 2000 và 2008) đã được triển khai từ năm 2007. Đến nay, toàn thành phố có 122 đơn vị xây dựng, mở rộng và duy trì việc áp dụng ISO vào hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước. Trong đó, có 49 cơ quan hành chính thuộc Đề án ISO hành chính công giai đoạn 2007-2010 tiếp tục thực hiện và 73 đơn vị mới bắt đầu triển khai (gồm Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và 72 UBND các xã, phường, thị trấn). Hiện nay, thành phố đã có 122/122 cơ quan, đơn vị hoàn thành việc áp dụng ISO cho 100% các thủ tục hành chính. Trong đó, 4/122 đơn vị không có TTHC theo Đề án 30, nhưng vẫn xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (gồm: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố; Chi cục Quản lý thị trường; Trường Chính trị và Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình).

Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn) đang giải quyết hồ sơ cho công dân.

Theo ông Hồ Văn Gia, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, trước đây, Văn phòng UBND thành phố đã được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng. Tuy nhiên, theo quy định thì việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải áp dụng cho tất cả các TTHC tại các phòng, ban trực thuộc. Do vậy, UBND thành phố phải được đánh giá và cấp giấy chứng nhận lại tất cả các quy trình. Đến nay, UBND thành phố đã hoàn thành đánh giá chứng nhận và được cấp quyết định công nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng…

Sau 7 năm, TP Cần Thơ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO tại cơ quan hành chính Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Minh Thương, Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Việc áp dụng ISO tại các cơ quan hành chính Nhà nước đã xây dựng được quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, từng bước cải tiến phương thức làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả, giảm tác động tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức khi giải quyết các TTHC cho tổ chức, công dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện các quy trình tác nghiệp giúp cho Thủ trưởng cơ quan và cán bộ công chức nắm vững hơn nội dung, yêu cầu và cách thức xem xét, xử lý công việc theo quá trình; xác định ranh giới trách nhiệm trong nội bộ cơ quan và giữa cơ quan với bên ngoài, đảm bảo thực thi công vụ và xử lý công việc theo quy định pháp luật. Qua đó, góp phần cho đơn vị rà soát, đánh giá và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận trong cơ quan, xác định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, góp phần thực hiện các yêu cầu về cải cách hành chính của toàn thành phố…

Không chỉ vậy, việc vận hành ISO còn là phương pháp để kiểm tra, giám sát trên thực tế việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Vì với quy định về thời gian, các biểu mẫu… trong quá trình áp dụng thực tế sẽ phát sinh các bất cập, từ đó, sẽ giúp cho việc nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tế địa phương. Hơn nữa, hệ thống quản lý chất lượng ISO là một trong những công cụ hỗ trợ đáng kể cho việc công khai, minh bạch hóa quy trình, thủ tục giải quyết công việc theo yêu cầu của tổ chức và công dân. Việc tích hợp tốt giữa việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng với thủ tục hành chính theo Đề án 30 và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, tác nghiệp hồ sơ và là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ cho công tác cải cách hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước. Hiện nay, các TTHC đều có quy trình xử lý công khai, quy định rõ thành phần hồ sơ, thời gian trả kết quả… từng bước tạo được lòng tin, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi đến cơ quan hành chính nhà nước…

Tuy nhiên, quá trình triển khai, áp dụng ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn tồn tại nhất định. Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, sự quan tâm, chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan, ban ngành về công tác này mang tính chất quyết định trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gia qua, lãnh đạo của một số đơn vị vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa kiêm nhiệm nên thời gian tập trung chỉ đạo, kiểm tra giám sát chưa liên tục, nên đôi khi hiệu quả công việc chưa cao. Ngoài ra, các TTHC thuộc Đề án 30 của nhiều sở, ngành, UBND các cấp có nhiều thay đổi do có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới nên việc vận hành các quy trình chưa ổn định. Sự liên thông trong quá trình thực hiện TTHC nói chung và quy trình ISO nói riêng cũng còn hạn chế, đặc biệt trong sự phối hợp giữa UBND cấp xã với các phòng ban chuyên môn của UBND cấp huyện và các sở ngành có liên quan khi xây dựng và vận hành quy trình ISO của từng đơn vị chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một số đơn vị có sự thay đổi về nhân sự, về chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức dẫn đến việc phải vận hành các quy trình thủ tục đã xây dựng và áp dụng của các công chức mới về tiêu chuẩn ISO còn hạn chế, gây ảnh hưởng nhiều đến sự vận hành của hệ thống…

Ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố kiến nghị: UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo việc duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo đây là một công cụ thật sự hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính tại địa phương. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính và chất lượng phục vụ người dân…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết