29/07/2017 - 17:02

Huy chương vàng đầu tiên của Trần Văn Mốm 

Nghe người dẫn chương trình xướng tên mình trong buổi lễ mừng công đoàn VĐV người khuyết tật Cần Thơ tham dự Hội thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2017, anh Trần Văn Mốm phấn khởi bước thật nhanh lên bục nhận thưởng, dù rất khó khăn bởi đôi chân khập khiễng, teo nhỏ.

Cố ngồi ngay ngắn trên ghế do ban tổ chức để sẵn trên sân khấu, nhưng tư thế anh Mốm vẫn xiêu vẹo bởi thói quen ngồi xe lắc hàng ngày. Những điều đó không cản trở được ánh mắt rạng rỡ, nụ cười tươi rói của anh khi nhận Bằng khen từ lãnh đạo thành phố.

 Trần Văn Mốm trên chiếc xe lắc mưu sinh. 

Thoắt chuyền từ chiếc xe lắc sang ghế cóc quán cà phê ven đường Đồng Khởi (quận Ninh Kiều), anh Trần Văn Mốm cười thật tươi và mở đầu câu chuyện bằng niềm vui vừa nhận được từ khoản tiền hỗ trợ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội dành cho người khuyết tật. Để có sự tự tin, vui vẻ của tuổi 31 hiện tại, anh Trần Văn Mốm có cả quá trình phấn đấu, vượt qua mặc cảm, tự ti. Tất cả nhờ thể thao.

"Có thời gian dài trước đây, tôi chỉ quanh quẩn ở một cơ sở làm mỹ nghệ, yếu ớt, nhút nhát, không dám tiếp xúc với người ngoài. Nhưng từ khi tập luyện thể thao, rồi được đi thi đấu, tiếp xúc nhiều người, tôi khỏe mạnh, vui vẻ, tự tin hơn nhiều", anh Mốm chia sẻ.

Vào một ngày hè tháng 6-2010, tham gia sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, anh Mốm được đề nghị vào đội thể thao của Hội, tập luyện môn bơi lội. Anh nhớ lại: "Lúc đó các cô chú hỏi có tham gia chơi thể thao không, tôi thấy mình sức yếu, hoàn cảnh khó khăn nữa, nên e ngại. Nhưng cuối cùng cũng cố gắng tham gia. Dần dần thấy vui và đam mê".

Việc rèn luyện thể thao với người khuyết tật không hề đơn giản, đặc biệt là thi đấu dưới nước. Những ngày đầu ngoi lên ngụp xuống trong hồ bơi rất vất vả, có lúc muốn bỏ cuộc vì mệt; thế nhưng, sự kiên trì và động viên của các thầy, đã giúp anh Mốm vượt qua những trở lực ban đầu.

Sau khoảng 1 tháng tập trung cùng đội, anh có được những kỹ thuật cơ bản để thi đấu. Vấn đề là tâm lý tự ti, nhút nhát của anh Mốm khó có thể cải thiện trong thời gian ngắn.

Anh Mốm kể: "Lần đầu tiên đi giải, tôi bị khớp lắm. Ở nhà tập thì các HLV thổi còi, còn khi ra thi đấu, người ta dùng súng phát hiệu lệnh. Vừa lên bục xuất phát, nghe súng nổ cái đùng, tôi nhảy xuống nước mất thở, cố gắng trở lại, leo lên bờ, ngồi luôn. Lần đó bị loại một nội dung thi đấu vì phạm quy ".

Tuy không thi đấu thành công, nhưng anh Mốm có được điều quý giá hơn: Niềm tin vào cuộc sống.

Anh cho biết: "Trước đó, vì sợ này nọ, ngại tiếp xúc với người ngoài, nhưng từ khi đi thi đấu, tôi được tình nguyện viên hỗ trợ, giúp đỡ, động viên nhiều lắm. Giờ nghĩ lại thấy mình may mắn, mê thể thao, dù có khó cỡ nào cũng đi thi đấu".

Với anh Mốm, hàng ngày phải đắp đổi mưu sinh bằng việc bán vé số, nên thời gian dành cho tập luyện và thi đấu (khoảng 40 ngày) đôi khi làm thiếu hụt chi phí. Anh Mốm tính rằng nếu đi thi đấu mà không có huy chương là “lỗ nặng”, vì chi phí trong quãng thời gian đó là hơn 7 triệu đồng, mà số tiền hỗ trợ tập luyện mỗi ngày chỉ 120 ngàn đồng.

Sau lần đầu tiên tham dự chỉ có 1 HCĐ, những năm sau đó thành tích tốt nhất của anh Mốm cũng là HCB. Nguyên do là khuyết tật của anh Mốm khá nặng hơn so với các VĐV cùng tranh tài ở hạng thương tật S6. Đến Hội thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2017, anh Mốm được khám lại và chuyển sang thi đấu hạng thương tật S4B3. Ở nội dung bơi 50m ếch, anh đoạt được chiếc HCV đầu tiên, với thành tích ngang bằng VĐV đại diện Việt Nam tham dự Paragame.

*    *    *

Để có được chiếc HCV đầu tiên, anh Mốm đã vượt qua nhiều khó khăn, mà lớn nhất là cuộc mưu sinh hàng ngày. Một cơn sốt bại liệt bùng phát lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi chân lành lặn của anh, dù cha mẹ tận tình chạy chữa, thuốc thang khắp nơi.

Năm 2010, anh Mốm rời quê nhà Long Xuyên, xuống Cần Thơ làm việc ở cơ sở mỹ nghệ. Công việc tuy không mang lại cuộc sống đầy đủ, nhưng đem đến cơ duyên để anh Mốm đến với thể thao và quan trọng hơn là tìm được một nửa của mình, là người cùng sinh hoạt trong Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ.

Năm 2013, anh Mốm cưới chị Thúy Loan làm vợ rồi về nhà vợ sống ở Xóm Chài. Hàng ngày, anh Mốm lãnh vé số đi bán dọc theo vài con đường ở phường An Lạc, Tân An (quận Ninh Kiều) chứ không dám đi xa vì sợ bị lạc.

Thu nhập bữa “trúng”, bữa “thất” tùy lúc mưa, lúc nắng, nhưng hiện tại, anh Mốm là trụ cột đảm bảo cuộc sống cho vợ và con trai đã hơn 19 tháng tuổi.

Anh Mốm kể: "Lúc mới cưới, hai vợ chồng dành dụm được gần chục triệu, nhưng khi có con thì chi xài hết. Giờ thu nhập ngày nào lo cho ngày nấy". Thế nên, hôm nhận được tiền thưởng từ chiếc HCV, anh Mốm mừng muốn rơi nước mắt và việc đầu tiên là đi mua quà về cho vợ, san sẻ niềm vui.

Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng anh Mốm rất lạc quan: "Con trai giờ đã biết chạy nhảy, thả ra là hai vợ chồng khỏi bắt lại vì chạy theo đâu kịp".

Anh Mốm cười khà khà: "Phải nhờ người khác ẵm lại giúp. Nhờ có con, cuộc sống gia đình vui vẻ, gắn bó hơn. Lớn lên, tôi sẽ cho con theo nghề của cha". Bất ngờ, tôi giật mình hỏi: "Nghề bán vé số?”. “À không”- anh Mốm nói giọng chắc nịch xen lẫn vẻ tự hào: "Nghề bơi lội. Tôi muốn con trai theo nghiệp thể thao sau này".

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết