02/03/2011 - 21:46

Trung An

Hướng tới xã nông thôn mới

Những năm qua, tình hình kinh tế –xã hội của xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,68%, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 67,5% trong cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân 14 triệu đồng/người/năm. Đây chính là những tiền đề để chính quyền và nhân dân xã Trung An hướng tới xây dựng xã nông thôn mới (XNTM).

* HỢP Ý ĐẢNG LÒNG DÂN

Tuyến đường Vạn Lịch có tổng chiều dài hơn 1.200m vừa được khánh thành đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An. Đây cũng là công trình tiêu biểu của “ý Đảng – lòng dân”. Bà Nguyễn Thị Nga, ở ấp Thạnh Lợi 1, nói: “Trước đây, con đường này xuống cấp, người dân đi lại khó khăn dữ lắm, nhất là các cháu học sinh. Giờ con đường được tráng bê tông rộng rãi, thẳng tắp, bà con ở đây rất phấn khởi”. Chị Lê Thị Ly, nhà ở tuyến đường Vạn Lịch, cho biết: “Lúc trước, trồng được mớ rau cải, bầu bí muốn đem ra chợ xã bán cũng khó vì con đường quá xấu. Từ khi xây dựng đường giao thông mới đã giúp người dân dễ dàng mang rau màu, gà, vịt ra chợ bán, kiếm thêm thu nhập”. Tuyến đường Vạn Lịch có kinh phí xây dựng gần 100 triệu đồng, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó ngân sách 40%, còn lại do nhân dân đóng góp.

Đường tỉnh lộ 921 đoạn ngang qua chợ Trung An thông thoáng, sạch đẹp. 

Công trình mở rộng lối đi cặp tỉnh lộ 921 tại chợ Trung An có chiều ngang 4m, chiều dài hơn 100m, với kinh phí xây dựng gần 120 triệu đồng cũng do người dân đóng góp xây dựng. Chợ xã Trung An nằm cặp tỉnh lộ 921, trước đây tình trạng lấn chiếm lòng đường, dừng, đậu xe, mua bán diễn ra khá phổ biến, gây mất an toàn giao thông. Trước tình hình đó, xã Trung An vận động người dân tiến hành xây dựng mở rộng lối đi cặp tỉnh lộ 921. Công trình này hoàn thành không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại, mua bán thuận tiện mà còn hạn chế tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Văn Thêm, ở chợ xã Trung An, cho biết: “Phố xá rộng rãi, sạch sẽ không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị mà còn giúp cho việc mua bán của gia đình tôi thuận lợi hơn”.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều công trình do xã khởi xướng được nhân dân đồng tình ủng hộ. Là xã thuần nông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng do làm tốt công tác dân vận, những công trình cần xây dựng đều mang ý nghĩa thiết thực, vì lợi ích xã hội nên khi phát động, bà con đều hưởng ứng nhiệt tình. Tiêu biểu nhất là các công trình xây dựng đường giao thông nông thôn, nâng cấp sửa chữa cầu. Năm 2010, xã Trung An xây dựng hơn 1.200m đường giao thông, bắc mới và sửa chữa 9 cây cầu, trong đó kinh phí nhân dân đóng góp hơn 200 triệu đồng. Ông Hồ Văn Gằm, Chủ tịch UBMTTQVN xã Trung An, cho biết: “Trong những năm qua, địa phương rất chú trọng phát triển hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều xã thuần nông khác, Trung An gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Nhờ làm tốt vận động xã hội hóa mà việc xây dựng giao thông nông thôn thuận lợi hơn. Hiện, trên 90% đường giao thông được cứng hóa”.

* HƯỚNG TỚI XÃ NÔNG THÔN MỚI

Trung An là một trong số ít địa phương của thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp (8,68%), thu nhập bình quân đầu người khá cao (14 triệu đồng/năm/người); giá trị sản xuất bình quân gần 70 triệu đồng/ha. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Năm 2010 là năm bội thu của gia đình ông Nguyễn Văn Hậu, ở ấp Thạnh Lộc 2. Trước đây, gia đình ông Hậu cũng thuộc diện nghèo khó. Qua hướng dẫn tận tình về kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, luân canh hoa màu, đặc biệt là dưa hấu, bí hồ lô... của cán bộ khuyến nông xã, gia đình ông Hậu đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trên 1,6ha đất. Ông Hậu cho biết: “Mùa dưa hấu năm nay trừ chi phí gia đình tôi còn lời trên 60 triệu đồng, chưa kể lợi nhuận từ mấy công rau, bầu, bí”. Cuộc sống ổn định, vợ chồng ông Hậu lo cho 4 người con ăn học thuận tiện hơn. Đến nay, cả 4 người con của ông Hậu được học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định. Ông Hậu cho biết thêm: “Mấy năm trước, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, do canh tác theo tập quán cũ, chi phí sản xuất cao mà chất lượng hạt gạo không đạt chuẩn, lúa bán giá thấp. Từ khi được xã, huyện hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, gieo sạ, chăm sóc lúa... không chỉ giảm chi phí vật tư nông nghiệp mà lúa đủ chuẩn xuất khẩu, bán được giá cao, lợi nhuận nhiều hơn. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng màu, nuôi cá kiếm thêm thu nhập”.

Ở xã Trung An, chuyện nông dân sản xuất giỏi, vươn lên khá giả như gia đình ông Nguyễn Văn Hậu không phải hiếm. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung An, cho biết: “Hội Nông dân xã Trung An xác định nâng cao đời sống cho gia đình hội viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện có hiệu quả. Chính vì thế, Hội đã kết hợp với cơ quan chức năng tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác, vận động người dân chuyển đổi giống lúa, luân canh trồng hoa màu như mè, đậu nành, dưa hấu... Từ đó, thay đổi tập quán sản xuất của bà con, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại”.

Sau khi Chính phủ có chủ trương xây dựng XNTM, xã Trung An được thành phố chọn thí điểm thực hiện mô hình này. Đây vừa là niềm vui vừa là nâng cao trách nhiệm của chính quyền và nhân dân xã Trung An. Ông Lê Phước Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết: “Đảng ủy, UBND xã xác định xây dựng XNTM là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Từ đó, không chỉ có chính quyền địa phương tích cực thực hiện mô hình XNTM mà còn có sự chung tay góp sức của người dân”.

Bài, ảnh: NGUYÊN SA

Chia sẻ bài viết