11/08/2009 - 20:33

Hướng đi mới cho công tác tái định cư

Một góc khu tái định cư của dự án Nâng cấp đô thị, phường An Khánh, quận Ninh Kiều.

Những năm gần đây, thành phố đã khởi công hàng loạt công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm thúc đẩy KT-XH trên địa bàn phát triển. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị nơi tái định cư (TĐC) cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án (DA), nên quá trình bồi thường thiệt hại (BTTH), giải phóng mặt bằng (GPMT) gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ công trình, gây lãng phí tiền của nhà nước, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Vấn đề TĐC đã được Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND thành phố quan tâm chất vấn, giám sát nhiều lần. Gần đây, với nỗ lực của UBND thành phố, các ngành và địa phương, những vướng mắc xung quanh vấn đề TĐC đang từng bước được tháo gỡ.

Từ bức xúc tái định cư

Hồ Xáng Thổi (thuộc DA Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ ở phường An Cư, quận Ninh Kiều), bây giờ là một hồ nước trong, gió thổi lồng lộng, cây xanh ánh sáng đồng bộ, xung quanh hồ đã được xây dựng tường kè, cống thoát nước. Để có công trình này, Nhà nước đã đầu tư gần 100 tỉ đồng để thực hiện. Trên 150 hộ dân phải di dời nơi ở, vào khu TĐC. Điều đáng nói, đây là một trong những công trình hiếm hoi của thành phố có thời gian thực hiện đúng tiến độ kế hoạch. Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban quản lý DA Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, nói: “Tiến độ công trình được đẩy nhanh chính là nhờ khu TĐC được xây dựng trước đó”. Tại khu TĐC của DA NCĐT, ngoài hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, còn có Trạm y tế, Trường Mầm non, Trường Tiểu học và chợ. Hầu hết người dân vào khu TĐC này coi đó như là một sự đổi đời. Nhờ vậy, công tác BTTH, GPMB của DA nhiều thuận lợi, góp phần thúc đẩy công trình Hồ Xáng Thổi hoàn thành đúng tiến độ.

Tuy nhiên, khu TĐC có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như khu TĐC trên, trên địa bàn thành phố chỉ có một. Còn việc các DA “nợ” TĐC thì rất nhiều. Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay, 169 DA đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố có nhu cầu 14.682 lô nền TĐC, nhưng mới bố trí được 1.493 lô nền, đạt khoảng 10,2%. Mặc dù nhu cầu rất lớn, nhưng tiến trình đầu tư xây dựng các khu TĐC rất chậm. Theo quy hoạch, trên địa bàn thành phố có 47 khu TĐC, với quy mô 1.117 ha, chia thành 29.303 lô nền và 12.918 căn hộ chung cư. Tuy nhiên, trên thực tế mới có 6 khu TĐC đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đã đang bố trí dân vào ở, với quy mô 44,63 ha, chiếm tỷ lệ 3,99% diện tích đất quy hoạch xây dựng các khu TĐC; 18 khu đang BTTH, GPMB; 23 khu đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư, hoặc mới có chủ trương đầu tư, chiếm tới 51,2% diện tích.

Thiếu nền TĐC là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ các DA. Tại nhiều cuộc giám sát của Thường trực HĐND thành phố tại các chủ đầu tư lớn, như Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng thành phố, các quận, huyện về công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, TĐC, Thường trực HĐND thành phố luôn yêu cầu các chủ đầu tư, quận huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu TĐC, để đẩy nhanh tiến độ DA. Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nói : “Những mất mát của người dân khi phải di dời nơi ở để thực hiện DA là vô cùng lớn lao, kể cả những mất mát vô hình do thay đổi tập quán, thiếu công ăn việc làm,... Do đó, các chủ đầu tư phải chăm lo TĐC, tạo điều kiện việc làm cho người dân ổn định cuộc sống”.

Tìm hướng đi mới

Để giải quyết nhu cầu TĐC, thời gian qua UBND thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh việc thu hồi 10% quỹ đất từ các khu dân cư để bố trí TĐC. Từ quỹ đất này, thành phố đã bố trí TĐC 478 lô nền cho các DA bức xúc. Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã tiếp nhận thêm 182 lô nền và đang thu hồi thêm 85,33 ha để sử dụng vào mục đích TĐC. Để cho người dân có thêm cơ hội chọn lựa hình thức TĐC, cuối tháng 6 -2009, UBND thành phố cũng đã ban hành Quy định mới về TĐC phân tán đối với các DA thuộc địa bàn quận Ninh Kiều và với một số DA trọng điểm khác của thành phố, như: các DA mở rộng Quốc lộ 91 từ Ngã tư bến xe đến Trà Nóc, đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc; Khu TĐC 6,4 ha phường An Khánh (quận Ninh Kiều), Khu TĐC 12,8 ha phường Long Hòa (quận Bình Thủy), đường Trà Nóc - Thới An Đông - Lộ Bức,... Theo đó, các hộ dân đủ điều kiện TĐC sẽ được hỗ trợ 1,1 triệu đồng/m2 (với diện tích đối đa được hưởng không quá 150m2). Việc tăng mức hỗ trợ đối với TĐC phân tán (trước đây chỉ 0,5 triệu đồng/m2) được xem là một trong những bước đột phá trong công tác TĐC của thành phố.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài phải xây dựng các khu TĐC để phục vụ việc TĐC cho người dân. Tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 16 mới đây, ngoài việc yêu cầu UBND thành phố tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch và rà soát quy hoạch các khu TĐC, HĐND thành phố cũng yêu cầu UBND thành phố sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cơ chế, chính sách kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các khu TĐC tập trung trên địa bàn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Giải trình trước các đại biểu HĐND và bà con cử tri tại kỳ họp này, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết với nhu cầu phát triển của thành phố hiện tại và tương lai, nhu cầu TĐC rất lớn. Để giải quyết khó khăn này, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo trong năm 2009, mỗi quận, huyện phải đầu tư ít nhất một khu TĐC để phục vụ nhu cầu TĐC cho các dự án của địa phương, thành phố và Trung ương đầu tư trên địa bàn. Song song đó, thành phố sẽ tăng cường xã hội hóa theo quy định của pháp luật, như: hợp tác, liên kết, liên doanh,... với các tổ chức, cá nhân để xây dựng các khu TĐC. Cụ thể, thành phố dự kiến ban hành quy chế đầu tư các khu TĐC đô thị, nhà đầu tư khi tiếp nhận DA đầu tư khu TĐC sẽ trích lại một phần diện tích để thành phố sử dụng vào mục đích TĐC. Dự kiến, đối với các DA thuộc quận Ninh Kiều, các nhà đầu tư sẽ để lại cho thành phố 70% diện tích đất, quận Bình Thủy và Cái Răng 60% và các quận, huyện còn lại là 50%. Các DA đầu tư xây dựng khu TĐC mới phải có kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ nhu cầu của người dân và phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất của thành phố... Nếu thực hiện phương án này, thành phố sẽ có quỹ đất TĐC khá lớn để giải quyết cho các DA đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy nhanh công tác BTTH, GPMB, tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện DA như hiện nay. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm: “Việc tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác BTTH, GPMB, xây dựng các khu đô thị TĐC là một trong những giải pháp tập trung, chỉ đạo điều hành. Cuối năm 2009, UBND thành phố sẽ nghiêm túc kiểm điểm Chủ tịch UBND quận, huyện chưa xây dựng được khu TĐC”.

***

Hy vọng với quyết tâm của UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện thời gian tới công tác TĐC sẽ có những chuyển biến tích cực, không còn DA thực hiện theo “quy trình ngược”, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các DA, hoàn hiện kết cấu hạ tầng, xứng đáng là thành phố đô thị loại 1. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân an cư, lạc nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết