19/06/2014 - 22:19

Phát triển du lịch gắn với di tích văn hóa lịch sử

Hướng đi mới

Cùng với vẻ đẹp trù phú của vùng sông nước miền Tây, những xóm làng bình dị nên thơ bên hệ thống kênh rạch chằng chịt, TP Cần Thơ còn có nhiều điểm đến là các di tích văn hóa lịch sử (nhà cổ, đình, chùa...) hấp dẫn du khách. Gắn kết du lịch với di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn là một hướng đi mới của du lịch Cần Thơ.

* Nhiều tiềm năng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 26 di tích cấp Quốc gia và Thành phố. Trong đó, Bình Thủy có đến 7 di tích cấp Quốc gia, chiếm gần 2/3 số di tích Quốc gia của cả thành phố. Đây là một trong những trọng điểm du lịch của Cần Thơ. Di tích kết nối với tour du lịch nhiều nhất là Nhà thờ họ Dương (còn gọi là Nhà cổ Bình Thủy hay Vườn lan Bình Thủy)- được công nhận là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2009. Nhà thờ họ Dương là ngôi nhà 5 gian, kiểu Á-Âu kết hợp, tuy xây dựng đã hơn 140 năm nhưng vẫn còn nguyên trạng. Theo tài liệu, toàn bộ gạch bông, hoa văn, phù điêu, hàng rào... của công trình đều được đặt từ Pháp. Trong nhà còn có một kho đồ cổ quý giá. Đặc biệt, ngôi nhà cổ này đã xuất hiện trong hàng chục bộ phim: Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Cây tre trăm đốt, Tây Đô và ban mai, Xương rồng Cần Thơ, Người tình (của đạo diễn người Pháp Annand)...

Khách tham quan tại Khu căn cứ Vườn Mận (quận Bình Thủy). Ảnh: KIỀU MAI

Bình Thủy còn có Ðình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu, được dựng từ năm 1844, với diện tích trên 4.000m2. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử của một làng cổ Nam Bộ mà còn là những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng chạp) đều có lễ rước sắc thần cùng hội làng náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều. Ðây là lễ hội mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước, thu hút hàng nghìn người dân khắp nơi.

Mặc dù giàu tiềm năng nhưng hiện nay vẫn còn nhiều di tích chưa được khai thác đúng mức. Điển hình là di tích Căn cứ Vườn Mận, tại phường Long Tuyền, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2011 với kinh phí trên 9 tỉ đồng. Đây là một trong những nơi ghi lại truyền thống hào hùng của quân dân Cần Thơ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau khi khánh thành, di tích này luôn "cửa đóng then cài". Di tích Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang ở phường Bình Thủy cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, ngày cũng như đêm đều khóa cổng. Có thể nói, phần lớn các di tích do Nhà nước quản lý (như Căn cứ Vườn Mận, Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa…) ít mở cửa phục vụ khách. Theo phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Thủy, nguyên nhân là các di tích đó không có ban quản lý chuyên trách cũng như lực lượng tại chỗ để hướng dẫn, giới thiệu với khách tham quan, đồng thời giữ gìn an ninh trật tự và cảnh quan môi trường. Theo các nhà kinh doanh du lịch, du khách ngày càng có nhu cầu được tham gia "sống" với sản phẩm du lịch, thay vì chỉ tham quan đơn thuần như trước kia. Thiếu sự khéo léo liên kết, sáng tạo nên giá trị của nhiều di tích lịch sử văn hóa ở Cần Thơ chưa được khai thác tốt để phục vụ du khách.

* Chờ sự đột phá

Hệ thống di tích ở Cần Thơ chỉ mới chú trọng tới hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo cách truyền thống mà chưa quan tâm đến việc đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh. Ông Đoàn Hải Đăng- Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ, cho biết: "Trong bộ tour tham quan Cần Thơ, chúng tôi luôn thiết kế đủ các điểm đến đặc trưng của địa phương, từ khám phá miền sông nước, ghé vườn trái cây, làng nghề đến tìm hiểu các di tích. Tuy nhiên, mảng du lịch tìm hiểu di tích chưa được khai thác sâu. Ngoài Nhà cổ Bình Thủy, đình Bình Thủy, các di tích khác chỉ có thể đưa khách "cưỡi ngựa xem hoa", dễ nhàm chán. Để thu hút khách, các di tích này cần bổ sung thêm dịch vụ".

Theo các nhà kinh doanh du lịch, muốn hướng du lịch phát triển bền vững, nhất thiết phải gắn kết với văn hóa và quảng bá văn hóa. Có một thực tế đang tồn tại là sản phẩm và loại hình du lịch ở các địa phương của ĐBSCL na ná nhau. Cho nên, số du khách tăng mỗi năm nhưng tỉ lệ lưu trú còn rất khiêm tốn. Việc khai thác du lịch gắn với di tích văn hóa lịch sử được xem là giải pháp để Cần Thơ làm mới mình và ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch. Để tránh sự đơn điệu, nhiều công ty lữ hành chủ động khai thác tour kết hợp nhiều loại hình theo hướng trải nghiệm: văn hóa- lịch sử- làng nghề- ẩm thực. Điển hình, tour chợ nổi Cái Răng- Hủ tiếu Sáu Hoài- Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam- Vườn trái cây Vàm Xáng - lò bánh hỏi Út Dzách đang được công ty Fiditour chi nhánh Cần Thơ khai thác khá hấp dẫn. Ông Phạm Đăng Cương, Trưởng phòng kinh doanh Fiditour chi nhánh Cần thơ, cho biết: "Tham gia tour này, du khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ nét đặc trưng của Cần Thơ, từ không gian văn hóa đến ẩm thực với phương tiện di chuyển là tàu và xe đạp".

Ngành du lịch cũng đang hình thành mô hình biểu diễn văn hóa nghệ thuật thí điểm tại Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa; đưa các loại hình âm nhạc truyền thống như Đờn ca tài tử, dàn nhạc ngũ âm…vào các điểm tham quan. Ngoài ra, ngành còn phối hợp với Bảo tàng thành phố đào tạo lực lượng thuyết minh viên tại các di tích. Dự án EU cũng đã hỗ trợ ngành tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ cho các cá nhân ở các điểm vườn, di tích văn hóa lịch sử. Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, cho biết: "Bên cạnh các loại hình du lịch đang xây dựng: MICE ở quận Ninh Kiều; sông nước miệt vườn ở quận Cái Răng, huyện Phong Điền; làng nghề ở quận Ô Môn, quận Thốt Nốt…, sắp tới, ngành tích cực đẩy mạnh quảng bá loại hình du lịch gắn với di tích văn hóa lịch sử, góp phần tạo sự đa dạng cho các loại hình du lịch thành phố".

Di tích văn hóa lịch sử là chứng tích quá khứ, là dấu ấn truyền thống. Quy hoạch du lịch gắn với khai thác các di tích văn hóa lịch sử ở Cần Thơ không chỉ là giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế vốn có, mà còn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử một cách hiệu quả và bền vững.

Ái Lam

Chia sẻ bài viết