29/01/2016 - 09:18

Hướng đến nền hành chính phục vụ nhân dân

Chấn Hưng

Xuân này, nhiều hộ tiểu thương ở chợ Trung An (thuộc xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có thêm niềm vui khi cán bộ ở địa phương và thành phố quan tâm, tháo gỡ cái "khó" trong thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ). Bà con như trút bỏ "gánh nặng" mà bấy lâu cứ canh cánh trong lòng.

Tạo thuận lợi cho người dân

Khác hẳn so với năm ngoái, ông Võ Văn Lực, ở chợ Trung An đón xuân mới với tâm trạng phấn khởi, vui tươi. Bởi lẽ, sau thời gian đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và ghi nợ tiền thuế sử dụng đất, vừa qua, ông đã trả dứt nợ thuế. Đây là tín hiệu vui, khởi đầu cho năm mới làm ăn thuận lợi, mọi chuyện suôn sẻ… Ông Lực uống một ngụm trà, rồi kể về cái "khó" mà ông vừa được chính quyền và ngành chức năng huyện Cờ Đỏ tháo gỡ. Năm 1996, ông được UBND huyện Thốt Nốt cũ giao đất tại chợ Trung An. Sau đó, ông tiến hành xây dựng nhà và ở liên tục cho đến nay. Thời gian gần đây, ông tiến hành làm thủ tục đăng ký QSDĐ thì gặp khó, vì bản chính của quyết định giao đất bị thất lạc. Hồ sơ của ông ách tắc… Không riêng gì ông Lực, 5 hộ dân khác, gồm: Ông Phan Văn Hạnh, ông bà Thạch Thị Lan, ông Lê Kim Thạnh, ông Đặng Hồng Đông và bà Nguyễn Thị Hồng Mai cũng tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Giàu, công chức Địa chính – Xây dựng và Môi trường của UBND xã Trung An, cho biết: "Theo quy định, để tiến hành làm thủ tục đăng ký QSDĐ thì một trong những giấy tờ cần phải có đó là bản chính của quyết định giao đất. Trong khi, các hộ dân đã làm thất lạc bản gốc của quyết định, chỉ còn bản sao, nên hồ sơ đăng ký QSDĐ gặp khó, không thể tiếp nhận, giải quyết".

Thời gian qua, không chỉ các hộ dân mà cả ông Nguyễn Ngọc Giàu, công chức Địa chính – Xây dựng và Môi trường của UBND xã Trung An cũng "chạy đôn, chạy đáo" xin ý kiến của ngành chức năng xem xét, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để người sử dụng đất hoàn thành thủ tục đăng ký. Để có cơ sở xem xét, cấp Giấy chứng nhận cho 6 hộ dân này, thời gian qua, UBND huyện Cờ Đỏ đã có nhiều buổi làm việc, nhiều văn bản gởi các ngành chức năng liên quan như: UBND quận Thốt Nốt, UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường... Cái "khó" về thủ tục đăng ký vừa được giải quyết, thì cái "khó" khác lại phát sinh, đó là số tiền thuế sử dụng đất phải thu đối với các hộ này là bao nhiêu? UBND huyện tiếp tục có văn bản xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố... Sau cùng, mọi chuyện đã "thuận buồm xuôi gió", cái "khó" của người dân được tháo gỡ.

 Ông Võ Văn Lực phấn khởi với Giấy chứng nhận QSDĐ vừa được UBND huyện Cờ Đỏ cấp. 

Sau cả quá trình dài, đầy gian nan trong việc làm thủ tục, nay ông Lực được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận, ông mừng vui khôn xiết. Ông Lực nói: "Rất may, nhờ chính quyền và ngành chức năng huyện Cờ Đỏ đã quan tâm, xem xét, cùng nhau gỡ khó. Ngày nhận được "bằng khoán", tôi mừng lắm!". Không chỉ vậy, khi biết hoàn cảnh kinh tế của ông Lực gặp khó khăn, công chức Địa chính – Xây dựng và Môi trường của UBND xã Trung An còn hướng dẫn ông lập thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định. Tích cóp trong một thời gian, đến nay, ông đã hoàn thành xong nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước… Bà Lê Thị Mộng Vân, Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Với sự phối hợp, vào cuộc của chính quyền và ngành chức năng ở huyện và thành phố, sau cùng, cái "khó" đã được giải quyết, tạo điều kiện thuận tiện để bà con thực hiện các quyền của người sử dụng đất hợp pháp. Đây không chỉ là niềm vui của 6 hộ dân mà là niềm vui chung của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) – những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho bà con".

Hướng đến nền hành chính phục vụ nhân dân

Thời gian qua, công tác CCHC ở TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể như công chức phải giải thích, hướng dẫn cụ thể, tận tình, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho các tổ chức và cá nhân được nhanh chóng, đúng luật và đúng hẹn. Ngoài ra, một số cơ quan hành chính nhà nước còn áp dụng mô hình được người dân đồng thuận cao. Điển hình như Đề án giám sát giờ giấc làm việc, thái độ phục vụ của đội ngũ CBCC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) của quận Ô Môn và các phường trên địa bàn. Thực hiện mô hình này, UBND quận đã đầu tư hệ thống camera và các trang bị bảng điện tử đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với CBCCVC tại Bộ phận TN&TKQ. Năm 2015, thông qua hệ thống khảo sát, quận đã nhận được 92% lượt đánh giá hài lòng. Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: "Từ khi thực hiện mô hình này, thái độ, tác phong phục vụ người dân của đội ngũ CBCCVC có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những thắc mắc về thủ tục hành chính của bà con được cán bộ hướng dẫn tận tình, "đến nơi, đến chốn", được người dân đồng tình, đánh giá cao". Ngoài ra, quận Ô Môn cũng là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai, thực hiện mô hình dịch vụ "Phát trả kết quả hồ sơ hành chính công tận nhà" đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi; đồng thời, giảm rủi ro trong việc lưu thông cho người dân, doanh nghiệp…

UBND quận Ninh Kiều và các phường cũng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc cải tiến lề lối làm việc, phục vụ nhân dân. Qua đó, địa phương cũng có những sáng kiến, mô hình hay như: Trước khi có Chỉ thị số 17/CT – TTg (ngày 20-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính) được ban hành thì tại Bộ phận TN&TKQ của quận, CBCCVC của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận đã thực hiện việc tự đối chiếu, ký xác nhận (hoặc bằng mộc tự đối chiếu) vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không cần buộc người dân phải chứng thực bản sao từ bản chính.

Còn tại huyện Phong Điền đã tiên phong trong việc áp dụng mô hình "Một cửa liên thông" các thủ tục hành chính như: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (trước khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương) và thực hiện mô hình liên thông 2 thủ tục là đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú, được người dân đồng tình ủng hộ. Ông Trương Minh Tâm, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phong Điền, cho biết: "Ngày nay, chính quyền địa phương đã triển khai, thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến, nhằm tạo thuận tiện cho người dân khi đến giao dịch, thực hiện các thủ tục. Mô hình "Một cửa liên thông" trên là một điển hình. Người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí trong việc thực hiện các thủ tục có liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày"...

*

* *

Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: "Thành phố luôn mong muốn phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn trong giải quyết giao dịch hành chính, để xứng tầm là một chính quyền đô thị. Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo rà soát, công khai thủ tục hành chính, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong công tác cải cách hành chính. Đồng thời, thành phố đã có kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho đội ngũ CBCCVC, tập trung xây dựng đội ngũ CBCCVC vừa "hồng", vừa "chuyên", nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển ngày một bền vững...

Chia sẻ bài viết