Cuối năm 2024, TP Cần Thơ có 350 hộ nghèo, tỷ lệ 0,09% và 4.685 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,26%. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố (chương trình giảm nghèo) xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể cũng như giải pháp giảm nghèo năm 2025 đồng bộ, thiết thực, đảm bảo an sinh xã hội.
Tích cực đồng hành, trợ giúp
Năm 2019, ông Trần Văn Em ở khu vực Thới Thuận A, phường Thới An, quận Ô Môn, vay 50 triệu đồng để cải tạo đất vườn, trồng 6 công nhãn Ido xen ổi lê. Ông Em nói: “Hai năm nay, tôi thu hoạch nhãn, đạt lợi nhuận trên 120 triệu đồng. Mỗi tuần, tôi bán 500-600kg ổi lê, tùy thời giá thu mua từ 3.500-8.000 đồng/kg. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định, tôi an tâm, phấn khởi lắm”.
Hộ dân phường Thới An, quận Ô Môn vay vốn ưu đãi trồng nhãn Ido, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Em là một trong nhiều hộ mới thoát nghèo trên địa bàn quận Ô Môn được tiếp tục hỗ trợ vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Quận Ô Môn xác định nâng cao nhận thức hộ nghèo, cận nghèo về phấn đấu lập thân, lập nghiệp, học nghề, có việc làm, thu nhập ổn định là những giải pháp giảm nghèo căn cơ, hữu hiệu. Quận ưu tiên tăng vốn vay cho các hộ có kế hoạch, mô hình khả thi, hiệu quả, khích lệ ý thức tự lực vươn lên. Năm 2024, quận Ô Môn xây dựng và sửa chữa 62 căn nhà Đại đoàn kết; phát vay trên 58,6 tỉ đồng, hỗ trợ 1.564 hộ; cấp 4.957 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)… Đến cuối năm, toàn quận có 63 hộ nghèo, tỷ lệ 0,18% và 1.290 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,62%.
Nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, năm 2024, các ngành, đoàn thể quận Thốt Nốt nhận đỡ đầu từng hoàn cảnh, với các giải pháp trợ giúp phù hợp. Quận xây dựng và sửa chữa 137 căn nhà Đại đoàn kết; phát vay trên 97 tỉ đồng, hỗ trợ 2.129 hộ; cấp 2.136 thẻ BHYT… Quận còn 66 hộ nghèo, tỷ lệ 0,16%; 412 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,98%. Toàn quận hiện có 15 khu vực không còn hộ nghèo. Chị Hà Thị Kim Liên ở khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, nói: “Tôi có nghề may và được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay vốn ưu đãi mở cơ sở may gia công tại nhà để giúp chị em có việc làm, thu nhập. Hiện cơ sở có khoảng 10 lao động may thường xuyên, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng/người”.
Không bỏ ai lại phía sau
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2024, thành phố xây mới, sửa chữa 534 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ trên 1.000 tỉ đồng cho 28.686 lượt hộ vay; cấp 25.426 thẻ BHYT; trợ giúp giáo dục cho 12.508 học sinh… Để giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,09% vào cuối năm 2024, từ đầu năm, thành phố đã triển khai kế hoạch, chương trình giảm nghèo với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Ủy ban MTTQVN, hội, đoàn thể các cấp phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp giảm nghèo, rà soát hộ nghèo tại địa phương.
Trong năm, thành phố đẩy mạnh thực hiện 2 phong trào thi đua “Cần Thơ chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau và công tác an sinh xã hội” và “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn TP Cần Thơ”. Với sự tích cực tham gia của hệ thống chính trị, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi người, mỗi nhà, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo tại địa phương. Các quận, huyện nỗ lực duy trì 38 mô hình sinh kế, làm ăn hiệu quả, hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, thu hút người nghèo, cận nghèo tham gia, thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Noãn, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, nói: “Tôi cố gắng duy trì hoạt động hợp tác xã vừa lưu giữ nghề gia truyền, vừa góp phần tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho 30 lao động trên địa bàn”.
Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,04%; tất cả hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về vốn vay ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở… Cùng với việc rà soát, cập nhật, xác định đúng, đủ đối tượng thụ hưởng, các địa phương cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo vào các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, có lộ trình, giải pháp thực hiện hợp lý, khả thi; tăng cường huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn, dân tộc thiểu số. Đồng thời, nâng cao nhận thức, khuyến khích người nghèo tự vươn lên thoát nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách trợ giúp của Nhà nước.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG