21/11/2019 - 18:26

Hướng đến dòng sông không rác thải nhựa 

Với mục tiêu giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trên sông một cách bền vững và theo hướng tuần hoàn tại Cần Thơ, Tổ chức Recycled Island Foundation (RIF) đề xuất dự án hỗ trợ cho thành phố hai bẫy rác thụ động thu gom rác trên sông. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm và phòng tránh ô nhiễm nhựa, tiếp cận xử lý môi trường theo hướng tuần hoàn.

Rạch Cái Khế, quận Ninh Kiều là một trong những địa điểm được đề xuất đặt bẫy rác.

RIF là một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan chuyên thu hồi rác nhựa từ các con sông và kênh. RIF đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các bẫy rác bằng nhựa và được sử dụng tại thành phố Rotterdam ở Hà Lan và Brussels ở Bỉ.

Bà Liliane Geerling, Điều phối viên dự án tại Đại học Khoa học ứng dụng Zeeland - Hà Lan (HZ) cho biết: Qua thu gom và phân loại rác thải tại rạch Cái Khế (quận Ninh Kiều), cho thấy có 55% là rác thải hữu cơ, 35% rác thải nhựa tái chế được và 15% rác thải không tái chế. Trong đó, rác thải chủ yếu là bọc nylon, hộp xốp… Lắp đặt bẫy rác góp phần giúp thành phố thu gom rác thải và giữ gìn môi trường cho các dòng sông. Bẫy rác là một sản phẩm tuần hoàn, được sản xuất gần như hoàn toàn bằng nhựa tái chế thu được từ các con sông tại Hà Lan. Bẫy rác dài 5,6m, rộng 2,3m, cao 1,9m (khoảng 1,5m chìm trong nước); ống định hướng rác dài đến 30m, có thể điều chỉnh phù hợp thực tế; trọng lượng bẫy rác 350kg. Bẫy rác thu gom rác nhựa một cách thụ động liên tục 24/7, hoạt động dựa theo dòng chảy. Qua thử nghiệm 3 năm ở Hà Lan cho thấy, sản phẩm  bền, chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi và không gây hại cho môi trường. Thiết bị được đặt theo hướng ngược với dòng nước chảy và tại các vị trí giúp rác tự chảy vào bẫy rác, giúp tiết kiệm chi phí và năng lượng. Bẫy rác có những khe hở để tạo lối thoát cho cá và động vật khác. Các bẫy rác sẽ lấy rác 2 lần/tuần với thể tích rác nhựa khoảng 8m3/bẫy/tuần. Sau khi thu gom và phân loại rác thải từ bẫy, có thể tận dụng tạo ra một số sản phẩm làm từ nhựa tái chế như: đê bao giúp khôi phục rừng ngập mặn; công viên nổi, bờ kè; sản phẩm cho nông nghiệp, nhà nổi và nuôi trồng thủy sản; gạch nhựa; nắp cống…

Theo ông Nicola Belafatti, Điều phối viên dự án tại Tổ chức RIF, toàn bộ dự án sẽ được tài trợ bởi các tổ chức bên ngoài và Tổ chức RIF; ngân sách cho việc lắp đặt 2 bẫy rác dự kiến là 3 tỉ đồng. Sau khi chính thức nhận được thư chấp thuận của UBND TP Cần Thơ về việc đặt 2 bẫy rác thụ động trên sông ở thành phố, dự án sẽ chính thức triển khai.

Để dự án triển khai hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu: Sau khi dự án được chấp thuận, các đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở Giao thông Vận tải thành phố và UBND quận Ninh Kiều phối hợp đơn vị tài trợ tiến hành khảo sát và lựa chọn địa điểm phù hợp đặt bẫy gom rác. Đồng thời, hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc nhập khẩu, lắp đặt và vận hành các bẫy rác. Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ phối hợp đơn vị tài trợ tổ chức sử dụng bẫy gom rác khi được lắp đặt. Đồng thời, xem rác thải nhựa là tài nguyên, nghiên cứu hướng tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm hữu ích, tạo nguồn thu cho công ty…

Cụ thể, giai đoạn sản xuất và thử nghiệm bẫy rác tại Hà Lan khoảng 4 tháng. Khi các thiết bị đã được thử nghiệm thành công, sẽ được chuyển đến Cần Thơ và dự án bắt đầu. Giai đoạn thử nghiệm dự án tại Cần Thơ là 2 năm. Trong thời gian này, các đối tác tham gia vào dự án sẽ làm việc cùng nhau và đánh giá hiệu quả của các bẫy rác và tiềm năng tái chế của nhựa. Các đơn vị nghiên cứu như: Trường Đại học Cần Thơ, Đại học HZ và một số trường Đại học Khoa học ứng dụng tại Hà Lan sẽ theo dõi hiệu suất của các bẫy rác và báo cáo cho Tổ chức RIF định kỳ 3 tháng/lần. Nội dung báo cáo, gồm: Giám sát phân tích số lượng và loại rác nhựa được lấy từ sông; hiệu quả của các địa điểm được chọn; tỷ lệ phần trăm của nhựa được tái chế; các loại sản phẩm được sản xuất từ dự án… Cùng với đó, phối hợp giáo dục giúp người dân địa phương nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm nhựa và cách phòng tránh.

"RIF sẽ có trách nhiệm sản xuất các bẫy rác và vận chuyển đến TP Cần Thơ. Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ sẽ tiếp nhận các bẫy rác. Sau đó, 2 đơn vị phối hợp lắp đặt bẫy rác tại những địa điểm đã chọn và theo dõi, đánh giá hoạt động của bẫy rác trong thời gian thử nghiệm. Sau giai đoạn giám sát 2 năm, nếu dự án hoạt động hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra, các bẫy rác sẽ được trao cho TP Cần Thơ. Đồng thời, dự án có thể xem xét được tài trợ bổ sung để mở rộng trong tương lai" - ông Nicola Belafatti cho biết thêm.

Qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu dự án đề xuất 3 vị trí lắp đặt bẫy rác. Đó là rạch Cái Khế, gần cầu Ninh Kiều và gần đường Tầm Vu. Theo bà Liliane Geerling, các vị trí được lựa chọn gần nơi dân cư đông đúc, qua lại nhiều để có thể thấy được thiết bị. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu rác nhựa ra môi trường.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, chia sẻ: Trong 55% rác hữu cơ chủ yếu là lục bình - vừa tác động tiêu cực và tích cực đến môi trường. Lục bình là hệ sinh thái trên sông và chống sạt lở tốt do làm giảm dòng chảy và va đập của nước vào bờ. Tuy nhiên, lục bình nhiều trên sông gây ảnh hưởng đến giao thông thủy. Đồng thời, là nơi rác thải bám và trụ lại, gây khó khăn trong công tác thu gom. Chính vì vậy, nhóm dự án nghiên cứu bẫy rác thu gom một phần lục bình và tách một phần tồn tại và phát triển. Đối với vị trí lắp đặt bẫy rác, phía dự án cần phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố khảo sát và lựa chọn vị trí phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả thu gom rác vừa an toàn cho giao thông thủy.

Bài, ảnh: T. TRINH

 

Chia sẻ bài viết