28/12/2020 - 08:11

Hợp lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ÐBSCL 

Thời gian qua, với sự vào cuộc của doanh nghiệp, viện, trường, tổ chức quốc tế, cộng đồng startup đang ngày một phát triển mạnh mẽ, tạo luồng sinh khí mới cho nền kinh tế. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNÐMST) nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Từ thực tế này, việc xác định lại xu hướng, lợi thế, thách thức để tìm hướng đi cũng như kết nối các thành phần trong hệ sinh thái KNÐMST đang được đặt ra. Ðây cũng là chủ đề xuyên suốt của diễn đàn Khởi nghiệp và Ðổi mới sáng tạo vùng ÐBSCL năm 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ phối hợp với một số đơn vị tổ chức vừa diễn ra.

Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ diễn đàn.

Theo Bộ KH&CN, trong những năm qua, Bộ triển khai nhiều chương trình, dự án làm nền tảng để xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia như: Chương trình Ðối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan - Việt Nam; Chương trình Thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam. Ðặc biệt, Ðề án Hỗ trợ hệ sinh thái KNÐMST quốc gia đến năm 2025 tập trung nâng cao năng lực, tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các chủ thể trong hệ sinh thái; đồng thời, phát triển hợp tác, liên kết, truyền thông. Qua đó, hệ sinh thái KNÐMST của Việt Nam ngày càng được cải thiện với các thành tố chính trong hệ sinh thái từng bước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết: Các tổ chức trung gian hỗ trợ KNÐMST của nước ta tăng mạnh, từ 40 tổ chức năm 2018 tăng lên 61 tổ chức năm 2019, hình thành văn hóa về khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong khối trường đại học, cao đẳng, lực lượng đoàn viên thanh niên tại các địa phương. Ðến nay, hệ sinh thái KNÐMST của Việt Nam là một trong những hệ sinh thái được các nhà đầu tư tin tưởng, kỳ vọng ở khu vực châu Á (chỉ sau Indonesia), với 29 thương vụ đầu tư, tổng giá trị gần 800 triệu USD (năm 2019).

Mặc dù có nhiều khởi sắc, song hệ sinh thái KNÐMST nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Ngoài việc khó tiếp cận nguồn tài chính, thiếu kỹ năng trong kinh doanh, phát triển thị trường, doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều rào cản từ hệ sinh thái KNÐMST hiện hữu: tính hệ thống chưa cao, chưa có sự kết nối giữa các cấp, các ngành và địa phương… Ðể hoạt động khởi nghiệp thật sự mang lại hiệu quả, cần thiết phải xây dựng một hệ sinh thái KNÐMST đủ mạnh nhằm tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Ðây là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Vùng ÐBSCL đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại hóa các kết quả nghiên cứu cũng như liên kết phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp phát triển hệ sinh thái KNÐMST. Diễn đàn hôm nay là dịp để các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp, KNÐMST của TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL có dịp kết nối với cộng đồng các chuyên gia, nhà đầu tư, các quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ uy tín trong nước và quốc tế, nhằm tạo tâm thế, chuẩn hóa và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, KNÐMST của vùng ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Tại diễn đàn, câu hỏi khởi nghiệp ở lĩnh vực gì và bắt đầu khởi nghiệp như thế nào được nhiều bạn trẻ quan tâm. Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch mạng lưới Nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, nhấn mạnh: Khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, các bạn trẻ cần chú trọng 2 điều: tâm thế khởi nghiệp và tư duy khởi nghiệp. Theo đó, startup phải mang tâm thế toàn cầu ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, không làm nhỏ lẻ, manh mún. Song, tư duy khởi nghiệp lại phải bám chặt vào lợi thế cạnh tranh riêng có cũng như ưu thế đặc sản vùng miền, tài nguyên bản địa… Các bạn trẻ tránh mơ mộng viển vông, hoặc chạy theo những cái người khác làm tốt, thành công trong khi bản thân mình không rành về lĩnh vực đó.

Làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã, đang lan rộng và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có hoạt động khởi nghiệp. Vì vậy, các startup cần tận dụng, nắm bắt thời cơ này để tạo nên đột phá mới. Theo ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, Cố vấn cao cấp về công nghệ và giải pháp VMED Group, nguyên Giám đốc Phát triển và Truyền bá công nghệ tại Microsoft Việt Nam, startup cần ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của công ty và tương tác với khách hàng để cải thiện hiệu quả hoạt động, tạo ra trải nghiệm khách hàng ưu việt và thiết kế các mô hình kinh doanh sáng tạo. Trong đó, 4 chiến lược chuyển đổi số startup cần hướng đến: tấn công - tạo sự đột phá của bản thân, mua lại đối thủ, thích ứng - phát triển thành công ty kỹ thuật số; hấp thụ, số hóa doanh nghiệp.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết