13/08/2016 - 16:56

Hồn sông nước chợ nổi Cái Răng

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Đầu tháng 7-2016, Cần Thơ đã nhận bằng của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận văn hóa chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hơn 100 năm hình thành và phát triển, chợ nổi Cái Răng đã trở thành biểu tượng văn hóa du lịch đặc trưng của TP Cần Thơ.

Chợ nổi là chợ họp nhóm trên sông với các phương tiện là tàu, ghe, xuồng chuyên chở hàng hóa, sản phẩm. Chợ nổi ở ĐBSCL xuất hiện, tồn tại từ những năm đầu của thế kỷ trước và là sinh hoạt tiêu biểu của cư dân. Những chợ nổi thuộc miền Tây sông Hậu thường có quy mô lớn và nổi tiếng hơn các vùng khác bởi tính trung tâm và sự giao lưu, trung chuyển hàng hóa của nó. Các chợ lớn phải kể đến là Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Phong Điền (Cần Thơ), Trà Ôn (Vĩnh Long)...

Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: KIỀU MAI

Trong đó vừa được công nhận di sản quốc gia là chợ nổi Cái Răng nằm cách cầu Cái Răng chừng 300 mét trên tuyến đường sông Cần Thơ- kênh xáng Xà No. Đây là đầu mối giao thương, buôn bán giữa các tỉnh thành ĐBSCL và cả nước.

Giá trị văn hóa phi vật thể

Văn hóa phi vật thể là những giá trị văn hóa tinh thần không dựa trên sự tồn tại vật chất cố định; chỉ có thể cảm nhận qua giao lưu, lễ hội, âm nhạc, ca dao, tục ngữ, phong tục, tập quán. Tính lịch sử - truyền thống là đặc điểm đầu tiên của văn hóa phi vật thể.

Chợ nổi Cái Răng đã có trên 100 năm lịch sử. Cái Răng là phố thị phát triển khá sớm, sung túc, sầm uất. Do thời ấy, giao thông bộ chưa phát triển, ghe thương hồ từ nhiều nơi theo con nước đã đem hàng hóa, nông sản đến đây trao đổi, giao lưu mua bán. Thời khắc mua bán nhộn nhịp nhất là khi nước vừa "nhuốm" ròng (mới rút) và lúc nước vừa "nhữn" lớn (mới lớn). Tính trung tâm và vị trí địa lý đặc biệt của chợ nổi Cái Răng cũng làm chợ nổi trội hơn các chợ nổi khác, được coi là "chợ nổi đầu mối". Chợ nổi Cái Răng có các chợ xung quanh với khoảng cách vừa phải như chợ nổi Trà Ôn (25km), chợ nổi Phong Điền (15km), chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp (30km). Các ghe thương hồ ở các nơi thường ghé đậu ở những "chợ nổi vệ tinh" để mua nông thủy sản của người trồng trọt, chăn nuôi và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các cơ sở gia công. Rồi họ chèo theo con nước hay chạy máy đuôi tôm, máy dầu, mang hàng hóa vừa mua được đến chợ đầu mối Cái Răng để trao đổi mua bán. Chợ nổi Cái Răng và các chợ xung quanh đã hình thành nên một "quần thể nổi" độc đáo mang tính biểu tượng, đặc trưng, khác biệt với các chợ trên bộ.

Tính giao lưu giữa các vùng miền cũng rõ nét qua các sản phẩm hàng hóa được trao đổi ở chợ nổi Cái Răng. Người "miệt trên"- chỉ các tỉnh từ An Giang qua Đồng Tháp đến Long An, Sài Gòn, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh ngày nay - thường mang đến đây lúa, gạo (từ An Giang); chiếu, nông cụ sản xuất như dao, búa, liềm, hái, cuốc, xẻng (từ Sa Đéc, Đồng Tháp); công nghệ phẩm như "đèn dầu Hoa Kỳ", vải Bombay, lưới cước, dầu lửa, khí đá, tim đèn, đèn cầy, nhôm nhựa, đồ kim khí (từ Sài Gòn); khóm (từ Long An); dừa, dầu dừa (từ Bến Tre), nhang, trái cây (từ Vĩnh Long); khô cá, dưa, đậu phộng (từ Trà Vinh). Còn "miệt dưới"- gồm các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang- thường mang đến chợ nổi Cái Răng muối, khô cá, mật ong, cá đồng, lúa gạo…Các mặt hàng của cả hai miệt được tập kết và từ chợ nổi Cái Răng lại phân phối ngược về các chợ vệ tinh. Cũng từ chợ đầu mối Cái Răng, một số hàng hóa, nông sản qua chọn lọc sẽ lên các phương tiện lớn hơn để đi Sài Gòn và các tỉnh miệt trên, và sau đó mang hàng hóa trở về cung cấp ngược lại.

Tính ổn định và quy mô của chợ nổi Cái Răng đã góp phần tạo nên thương hiệu của chợ. Thường xuyên có khoảng 400 ghe thương hồ các nơi cập bến, neo đậu mua bán tạo nên một không gian huyên náo, sinh động, đầy sức sống. Nhiều khách thương hồ sinh sống trên sóng nước chợ nổi Cái Răng, gầy dựng gia đình qua ba đến bốn đời. Có những buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống dòng sông, những tàu ghe chở hàng hay đợi con nước, đã xúm, kết lại với nhau, có khi giữa sông, có khi cặp bến, nhậu lai rai, đàn ca văn nghệ như để thư giãn. Rồi cũng có những lứa đôi người miệt trên- kẻ miệt dưới kết thành duyên nợ, gắn bó cuộc đời mình với những buồn vui của chợ nổi. Thường trên những "ghe mới" là những gia đình trẻ có hai vợ chồng và một hai đứa trẻ. Nhiều ghe như vậy hình thành nên một "xã hội" rất đặc trưng. Ở đây, mọi người hầu như đều quen biết nhau, giúp đỡ nhau những khi ốm đau, bệnh hoạn hoặc gặp mưa gió bão giông.

Do nhiều yếu tố văn hóa cấu thành nên văn hóa chợ nổi Cái Răng đã được phong tặng danh hiệu là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đời chợ

Chợ nổi Cái Răng nằm dọc theo sông Cần Thơ từ chân cầu Cái Răng kéo dài tới vàm Ba Láng khoảng 2km, là một trong các chợ nổi lớn nhất ĐBSCL. Nơi đây hoạt động mua bán diễn ra hầu như không ngơi nghỉ với nhiều chủng loại hàng hóa. Nhiều nhất vẫn là nông, thủy hải sản ở dạng nguyên hoặc qua sơ chế thô. Hàng hóa từ đây đi khắp nơi bằng đường thủy hoặc chuyển qua đường bộ ở các bến bãi ven sông.

Chợ nổi vào những ngày cận Tết đem đến sắc màu văn hóa không nơi nào có được. Lúc này nhà vườn, người nuôi cá, người làm hàng thủ công, người trồng hoa… ai cũng mang những sản phẩm được chăm chút cẩn thận nhất ra chợ nổi bán, với mong muốn có thu nhập cho một cái Tết sung túc, ấm no. Vài mươi năm trước đây, cách mua bán và thanh toán cũng khác đối với những vùng miền khác. Tính bằng "chục đủ đầu" như: dừa (12), dưa hấu (12), trứng (10), bưởi (14), chanh (18)… Ngày nay hầu hết các mặt hàng đã chuyển qua thanh toán bằng đơn vị kg. Đã thành lệ bắt buộc, người mua được hưởng "phao"(hưởng không) từ thấp nhất là 2kg đến cao nhất là 8kg cho mỗi 100kg hàng mua vào, tùy theo tình hình và diễn biến của giá cả hàng hóa trong ngày, thường lấy mốc thời gian là từ khi nước vừa bắt đầu ròng (thủy triều xuống) đến khi nước chớm lớn lại. Đắt hàng phao ít, ế hàng phao nhiều!

Ở đây giá cả hàng hóa thể hiện rất rõ nét theo quy luật cung cầu. Cam sành buổi sáng có giá 25.000 đồng/kg, đến giữa trưa có thể lên 40.000đ/kg và chiều có thể xuống trở lại dưới 20.000đồng/kg, nhưng cũng có khi ngược lại tùy theo tình hình "hút" hàng hay "đầy" hàng ở mỗi thời điểm diễn ra sự mua bán giữa các đối tác với nhau. Những ngày giáp Tết giá cả thường lên xuống rất mạnh mẽ, có khi hàng giờ, mà người ta gọi là "trúng chợ" hay "bể chợ". Nên có lúc hàng rẻ như cho, cũng có khi đắt đến ngẩn ngơ!

Chợ nổi Cái Răng đã có từ lâu đời và đến nay vẫn nhóm suốt ngày đêm, không kể nắng mưa thời tiết. Ngày nay khách đến chợ nổi còn di chuyển trên một chiếc thuyền chèo nhỏ, luồn lách thưởng thức thú ẩm thực trên sông. Có đủ món: chè, cháo, cà phê, hủ tiếu, bánh lọt, bánh xèo, bánh ướt… Tiếng rao hàng lảnh lót của các chị, các cô gái và tiếng sóng vỗ mạn thuyền, cùng với tiếng nói cười, chào mời rôm rả, xuồng ghe ngược xuôi tấp nập tạo nên một cảnh quan nhộn nhịp, huyên náo đầy sức sống. Những "cây bẹo" treo những mặt hàng rao bán cắm trên ghe hàng lắc lư theo những con sóng.

Chia sẻ bài viết