01/05/2009 - 09:38

Hơn 4.700 tỉ đồng hỗ trợ người lao động 61 huyện nghèo xuất khẩu lao động

* Nhà nước khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê

(TTXVN - Chinhphu.vn)- Ngày 29-4-2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 71/2009/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 -2020.

Theo Đề án được phê duyệt, từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ đầu tư 4.715 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động cư trú dài hạn tại 61 huyện nghèo và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ sở dạy nghề cho lao động xuất khẩu.

Giai đoạn 2009-2010, Đề án thực hiện thí điểm đưa 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi năm sẽ xuất khẩu khoảng 5.000 lao động), góp phần giảm 8.000 hộ nghèo (chiếm 2,8% số hộ nghèo thuộc 61 huyện nghèo nhất nước). Chỉ tiêu này trong giai đoạn 2016-2020 được nâng lên hơn 70.000 lao động xuất khẩu, góp phần giảm khoảng 19% số hộ nghèo của 61 huyện nghèo.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ của Đề án bao gồm: hỗ trợ người lao động học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động cũng sẽ được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo;... trong đó, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức. Còn lại các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo được hỗ trợ 50% học phí trên. Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 12 tháng phải về nước thì được hỗ trợ bằng 1 lượt vé máy bay khi gặp một trong các lý do: vì sức khỏe không phù hợp với yêu cầu công việc, vì chủ sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên người lao động bị mất việc làm; vì chủ sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

UBND các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 phải thành lập và chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban chỉ đạo thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động cấp huyện...w Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN) thuê. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Phấn đấu đến năm 2015, giải quyết được khoảng 50% nhu cầu về nhà ở cho công nhân.

Ban Quản lý KCN của địa phương hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN được giao đồng thời làm chủ đầu tư cấp I xây dựng hạ tầng nhà ở cho công nhân. Sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng khu nhà ở cho công nhân, chủ đầu tư cấp I có thể tự đầu tư xây dựng hoặc chuyển giao đất đã có hạ tầng để các chủ đầu tư cấp II (là các doanh nghiệp sản xuất trong KCN hoặc các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở) đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cho công nhân thuê.

Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân tối thiểu là 5m2/người. Giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh phê duyệt căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, theo nguyên tắc không tính các ưu đãi của Nhà nước, không tính các khoản chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng... vào giá thuê và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa 10%, với thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm.

Các chủ đầu tư (cấp I, II) xây nhà ở cho công nhân KCN thuê được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng mức cao nhất (thuế suất 0%); được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được hỗ trợ tín dụng từ các nguồn hợp pháp khác nhau; được UBND cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay (tùy khả năng ngân sách địa phương); được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước)...

Chia sẻ bài viết