08/12/2011 - 08:27

Hội thảo tổng kết việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Hội thảo tổng kết việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tổ chức ngày 7-12, tại Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, hầu hết Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành đã tổ chức tổng kết việc triển khai, thực hiện Hiến pháp. Cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 3 đoàn đến 15 tỉnh, thành phố để khảo sát và tọa đàm khoa học về việc tổng kết Hiến pháp 1992. Thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch về việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; đã có trên 20 tham luận của các nhà khoa học, cá nhân tiêu biểu, cán bộ quản lý và đại diện lãnh đạo của Ủy ban MTTQ một số tỉnh, thành phố được gửi đến Hội thảo này. Các báo cáo đều trình bày khá đầy đủ, toàn diện về những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng và thi hành Hiến pháp năm 1992 cùng với những kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Khẳng định Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và của chế độ ta, nhiều vấn đề kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được các nhà nghiên cứu khoa học và nhà quản lý đưa ra. Trong đó, chủ yếu đề cập đến vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị; việc tăng cường mối quan hệ giữa MTTQ với Nhà nước; việc quy định hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ trong Hiến pháp. Các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp; việc tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; việc hoàn thiện các thiết chế Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan tư pháp; việc hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương; cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước cũng được các đại biểu tập trung làm rõ.

Đa số các ý kiến kiến nghị Hiến pháp cần cụ thể hóa hơn quyền của MTTQ và nhân dân trong tham gia xây dựng bộ máy chính quyền, nhiệm vụ của MTTQ và cử tri trong bãi nhiệm, miễn nhiệm đại biểu dân cử không đủ tiêu chuẩn; nhiệm vụ của MTTQ trong giám sát cơ quan nhà nước và đại biểu dân cử; bổ sung Điều 9 trong Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ với những cơ chế, chính sách rõ ràng. Nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung chức năng, nhiệm vụ của MTTQ khi thực hiện bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường; có một chương riêng quy định về vị trí, vai trò của MTTQ...

CHU THANH VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết