07/10/2019 - 15:44

Hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu 

(CTO)- Ngày 7-10, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cùng các bộ ngành liên quan, nhà khoa học, chuyên gia, các địa phương dự hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Việt Nam là quốc gia đã và đang chịu sự tác động rất lớn và nghiêm trọng của BĐKH đối với các yếu tố môi trường, nền kinh tế, kết cấu hạ tầng, an ninh môi trường, xã hội và con người, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Ứng phó với BĐKH đã được nước ta lồng ghép vào chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển đất nước và được luật hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Sau 5 năm triển khai thực hiện, khung chính sách ứng phó với BĐKH cần được bổ sung, hoàn thiện hơn để không chỉ giải quyết những thách thức của BĐKH mà còn tận dụng cơ hội BĐKH có thể mang lại. Đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế mà việt Nam đã tham gia. Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 đưa việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Một trong những nội dung trọng tâm là nhóm chính sách liên quan đến BĐKH nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, tạo tính liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH và khung chính sách thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH.

Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Với hơn 15 tham luận, phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự, hội thảo đã thảo luận về một số nội dung quan trọng như: Sự cần thiết lồng ghép BĐKH vào hệ thống chính sách pháp luật; giải pháp chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh doanh tín chỉ carbon và tham gia thị trường carbon trên thế giới; đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật phát triển năng lượng tái tạo cũng như sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; liên kết vùng ứng phó BĐKH… Cùng với đó là các ý kiến, đề xuất ban đầu về việc sửa đổi, bổ sung các nội dung về BĐKH trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Đây sẽ là nền tảng để Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về ứng phó BĐKH tại Việt Nam…

Tin, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết