30/05/2023 - 15:12

Hội sách tại Mỹ gặp khó 

BẢO LAM (Tổng hợp từ Publishers Weekly, Nytimes)

Trong khi các hội sách quốc tế tại Frankfurt (Ðức), Madrid (Tây Ban Nha), London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc), Guadalajara (Mexico)… ngày càng thu hút độc giả, thì Hội sách BookExpo (Mỹ) đang dần bị lãng quên. Ðiều này khiến cho ngành công nghiệp xuất bản Mỹ gặp khó khăn.

BookExpo năm 2023.

Sau 2 năm tổ chức trực tuyến vì dịch COVID-19, Hội sách BookExpo năm 2023 diễn ra từ ngày 22 đến 25-5 với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các hội đồng trong ngành xuất bản đã bàn thảo nhiều chủ đề: sự đa dạng và hòa nhập của văn hóa đọc, vai trò của các đại lý văn học... Ðồng thời, các tác giả và biên tập viên thảo luận về những đầu sách hấp dẫn mùa tới. Trong khuôn khổ sự kiện còn có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng như Chuck D, Sarah Jessica Parker và Keegan-Michael Key. Mặc dù các hoạt động của BookExpo có đổi mới và hấp dẫn hơn những năm trước, nhưng thực tế vẫn còn khiêm tốn nếu so với các sự kiện sách khác. Ví như Hội sách Frankfurt thường xuyên đón tiếp các thủ tướng, tổng thống và những người đoạt giải Nobel, còn Hội sách Madrid có Nữ hoàng Tây Ban Nha là khách thường niên.

Thực tế, Hội sách BookExpo không mang lại hiệu quả thương mại và thu hút trong nhiều năm qua. Các đơn vị phát hành, nhà xuất bản không còn tìm thấy các giá trị ở sự kiện này. Bản thân Reed Exhibitions, đơn vị thường xuyên tổ chức các hội sách quốc tế cũng đang cân nhắc tạm dừng Hội sách BookExpo nếu vẫn tiếp tục không hiệu quả. Trước đó, Reed Exhibitions đã phải ngừng tổ chức Hội sách quốc tế Tokyo (Nhật Bản), đóng cửa Hội sách Paris (Pháp) vì thua lỗ. Mỹ được xem là thị trường xuất bản tiếng Anh lớn nhất thế giới, nhưng đây lại là một trong số ít các quốc gia lớn không có hội nghị toàn ngành. Trong khi đó tại các hội sách ở các quốc gia khác như ở Ðức, Tây Ban Nha, Anh lại thu hút độc giả, giới chuyên môn, nhiều nhân vật nổi tiếng, chính trị gia... giúp tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc. Ngành xuất bản Mỹ cũng nhìn nhận ra vấn đề này và đang cố gắng tìm các giải pháp để thay đổi.

Trong lúc chờ đợi, nhiều sự kiện nhỏ lẻ về sách tại Mỹ đang dần quay trở lại. Hàng ngàn người đang muốn kết nối, muốn mua và bán bản quyền, cũng như giới thiệu tác phẩm của họ với các nhà bán lẻ và giới truyền thông. Các tác giả, giới chuyên môn cũng muốn tổ chức nhiều hội thảo trao đổi, thảo luận về các chủ đề và xu hướng xuất bản mới. Trong đó, giới chuyên môn đặt nhiều kỳ vọng với các sự kiện sách được tổ chức tại New York. Nơi đây không chỉ là quê hương của các nhà xuất bản tiếng Anh lớn nhất, có ảnh hưởng trên thế giới, mà còn là thị trường lớn thúc đẩy phần lớn hoạt động xuất bản thương mại của toàn cầu.

Sherif Bakr, Giám đốc nhà xuất bản Al Arabi ở Cairo (Ai Cập), nói: “Thật kỳ lạ khi quốc gia lớn nhất thế giới về xuất bản lại không có một hội chợ sách quốc tế xứng tầm”. Ông Ricardo Costa, CEO Metabooks Brazil, suy đoán rằng thị trường Mỹ có thể quá biệt lập và tự hỏi: “Tại sao không có hội chợ sách chuyên nghiệp ở Mỹ?”. Nhà văn David Unger tại New York thì nêu giải pháp: “Với chi phí thấp thì có thể tổ chức một sự kiện có sự góp mặt của các nhà xuất bản Mỹ và tập thể các nhà xuất bản quốc tế. Ðiều đó sẽ thu hút du khách quốc tế. Ngược lại, Mỹ là nhà xuất khẩu bản quyền lớn nhất thế giới, người Mỹ sẽ vẫn phải lên đường đến Frankfurt, Bologna, London và những nơi khác để bán bản quyền cho khách hàng của họ”. Ðồng quan điểm, Christa Angelios, chuyên gia về bản quyền tại nhà xuất bản Penguin Random House, nói: “Một trong những điều tuyệt vời nhất khi tổ chức hội chợ ở New York là mang lại cơ hội cho những người như chúng tôi”.

Chia sẻ bài viết