24/04/2015 - 19:54

Hội nhập và quảng bá Đờn ca tài tử (*)

LTS: Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) TP Cần Thơ lần thứ VII - năm 2015 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức vừa kết thúc. Phát biểu tại đêm tổng kết liên hoan, nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng Khoa Âm nhạc dân tộc – Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban giám khảo, đã đánh giá thực trạng cũng như đề xuất để phát triển phong trào ĐCTT ở Cần Thơ trong thời gian tới. Báo Cần Thơ xin giới thiệu lược ghi bài phát biểu nhiều tâm huyết này.

5 ngày qua (từ ngày 15 đến 19-4-2015), lần lượt 9 ban nhạc tài tử của các quận, huyện trong TP Cần Thơ đã giới thiệu đến khán giả và giới mộ điệu 54 tiết mục với những ngón đờn, giọng ca hay. Các chương trình dự thi có nội dung chủ đề gắn liền với đời sống đương đại. Thành công của liên hoan đã đánh dấu bước phát huy, hội nhập và quảng bá của phong trào ĐCTT ở TP Cần Thơ.

 Nhạc sĩ Huỳnh Khải phát biểu tổng kết Liên hoan ĐCTT TP Cần Thơ 2015. Ảnh: DUY KHÔI

Liên hoan đã tập trung được các ngón đờn hay, thành danh trong phong trào ĐCTT ở Nam bộ bên cạnh những ngón đờn mới vào nghề ở nhiều lứa tuổi. Từ các nghệ nhân điêu luyện đến các tài tử đờn trẻ đến với ĐCTT bằng niềm đam mê, thể hiện trong từng chữ đờn. Việc phát hiện nhiều giọng ca hay, vừa lớn lên từ phong trào ĐCTT ở các địa phương cũng là thành công lớn của liên hoan. Qua đây, khẳng định sức sống, sự trao truyền ĐCTT ở Cần Thơ từ chất lượng nghệ thuật biểu diễn cũng như về chất lượng sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, Liên hoan ĐCTT TP Cần Thơ lần này đánh dấu một bước phát triển mới, thời kỳ hội nhập và quảng bá ĐCTT, đưa loại hình Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại duy nhất ở Nam bộ vào đời sống cộng đồng. Đó cũng là chủ đề của nhiều chương trình dự thi mà Ban ĐCTT các quận, huyện mang đến liên hoan. Hầu hết các chương trình đều được dàn dựng, cấu trúc hợp lý, nghệ thuật biểu diễn cá nhân tốt. Điểm nhấn ở liên hoan lần này là dịch chuyển ĐCTT biểu diễn trên sân khấu sang phục vụ công chúng. Điều này thể hiện qua các tiết mục mang hơi thở cuộc sống, việc đầu tư trang phục, đạo cụ cũng hấp dẫn hơn. Hàng trăm khán giả, trong đó có nhiều khán giả nước ngoài thưởng thức mỗi đêm trong suốt thời gian diễn ra liên hoan là minh chứng cho thành công đó.

Cuối cùng, các Ban ĐCTT đã chú trọng chọn những bài ca vừa có tính văn học, vừa có tính thời sự, đậm đà tính nhân văn nên chạm được trái tim người nghe. Tuyên truyền nhưng không phô, không khiên cưỡng. Những nội dung: xây dựng nông thôn mới, giữ gìn nề nếp gia đình, tình yêu quê hương… được đưa đến công chúng qua các thể điệu được trích từ 20 bài bản Tổ của ĐCTT, bài vọng cổ hoặc chập, trích đoạn cải lương thật hấp dẫn.

Ban tổ chức có thêm phần thi ĐCTT sáng tạo với các chập, trích đoạn cải lương đã góp phần thăng hoa âm nhạc của ĐCTT, phát huy âm nhạc dân tộc trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, để các Ban ĐCTT quận, huyện hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, các tài tử Cần Thơ còn nhiều việc phải làm.

Trước hết, nên có nhiều bài ca mới, theo điệu thức của 20 bài bản Tổ, có nội dung mang hơi thở cuộc sống. Các ban nhạc cần có nhiều kịch bản mới dành cho thể loại hát, chập cải lương. Đây cũng là cách để bảo tồn bền vững ĐCTT.

Ngoài ra, các Ban ĐCTT cần dành nhiều thời gian tập luyện hơn để hòa tấu cũng như hòa ca ăn ý, tình tự hơn. Cần có sợi chỉ đỏ nối kết sự đồng điệu trong tâm hồn của bạn đờn, bạn ca như tri kỷ, tri âm. Đặc biệt, các tài tử đờn cần chú trọng đờn cho hát chập, cần rèn luyện hơn vì cao độ và tình huống đòi hỏi sự biến tấu nhiều.

Về phía ngành văn hóa TP Cần Thơ và Ban ĐCTT các địa phương cần chú trọng đào tạo nhiều tài tử đờn, am hiểu các nhạc khí: đờn bầu, đờn tranh, đờn cò… Tránh tình trạng Ban ĐCTT chỉ có cây ghita phím lõm. Động viên thế hệ trẻ học ĐCTT từ các câu lạc bộ, đội, nhóm ở xóm làng.

Sau cùng, các nghệ nhân ca cần luyện cách phát âm đúng chính tả tài tử, luyện giọng ngọt và sắc cũng như giữ vững nhịp điệu… Các nghệ nhân nên học hỏi nhiều bản đờn, điệu thức của ĐCTT, không nên chỉ ca vọng cổ.

Liên hoan ĐCTT TP Cần Thơ lần thứ VII – năm 2015 đã làm đà cho phong trào ĐCTT TP Cần Thơ vào giai đoạn mới – giai đoạn đi sâu, rộng vào đời sống cộng đồng. Các tác giả, soạn giả, nghệ nhân, nhạc sĩ tài tử… hãy cùng chắc tay nhau, đẩy mạnh bước phát triển mới của nghệ thuật biểu diễn ĐCTT, để ĐCTT thiết thực góp phần xây dựng đời sống văn hóa đương đại.

(*): Tựa bài do tòa soạn đặt.

Chia sẻ bài viết