28/12/2019 - 21:29

Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương với các đại biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Ngày 28-12, tại TP Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng hơn 600 đại biểu.

Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2019 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 nêu rõ: Các cơ quan báo chí tập trung cao điểm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tăng cường định hướng nội dung tuyên truyền, tập trung xây dựng thể chế, giải quyết các vấn đề bất cập trong hoạt động báo chí. Việc quy định, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức người làm báo được quan tâm, nhiều vụ việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp được phát hiện xử lý kịp thời; chấn chỉnh nhiều biểu hiện chệch hướng trong đời sống báo chí.

Các cơ quan báo chí chú trọng đổi mới, cải tiến phương thức thực hiện, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội... Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao đối với các vấn đề nóng thuộc các lĩnh vực, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, nhân dân; thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép, tập trung chủ yếu ở tạp chí điện tử thuộc tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội. Thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các hành vi vi phạm của báo chí. Tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin; tình trạng giật tít câu khách, câu “view”, gây hiểu nhầm, trái với nội dung bài viết, giật tít phản cảm, thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục... vẫn xảy ra, mặc dù đã được nhắc nhở, định hướng thường xuyên.

Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền 675,1 triệu đồng, trong đó 6 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã ban hành các Quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật; các cơ quan báo chí đã nộp lại 19 thẻ nhà báo do các trường hợp này nghỉ hưu theo chế độ, chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

ĐOÀN MINH HUỆ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết