08/01/2015 - 20:37

Học tập kinh nghiệm từ Singapore và Malaysia để phát triển đảo Phú Quốc

Được sự cho phép của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB), đoàn công tác của BCĐ TNB, Tổ Công tác nghiên cứu, cơ chế chính sách phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, do đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, làm Trưởng đoàn, vừa có chuyến công tác, nghiên cứu tại Singapore và Malaysia.

Mục đích của chuyến công tác nhằm khảo sát, nghiên cứu các mô hình, cơ chế chính sách; công tác quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch phát triển đô thị, quản lý tài nguyên môi trường, đất đai, chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, đất đai để thu hút đầu tư nước ngoài; trên cơ sở đó vận dụng để tham mưu, đề xuất với Trung ương, Chính phủ có cơ chế chính sách phù hợp áp dụng cho việc xây dựng và phát triển huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới; đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và Phú Quốc, Kiên Giang nói riêng nhằm xúc tiến, kêu gọi các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Phú Quốc và vùng ĐBSCL, Việt Nam.

Những kinh nghiệm từ Singapore

Cũng như đảo Phú Quốc, nước ngọt, nước sạch là rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của quốc đảo Singapore. Đoàn công tác đã đến tham quan, nghiên cứu quá trình xây dựng đập nước Marina Barrage và làm việc với Cơ quan quản lý nước Singapore. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, sử dụng nước, phía bạn cho biết Chính phủ nước này đề cao việc tuyên truyền, làm cho cho toàn dân ý thức được tầm quan trọng của nước để góp phần cùng với nhà nước quản lý, sử dụng nước một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất. Đập nước Marina Barrage là công trình nổi tiếng ở Singapore có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt và chống ngập úng cho thành phố (khi thủy triều dâng cao và mưa to kéo dài cùng lúc). Nước sạch ở Singapore được quản lý và sử dụng từ 4 nguồn (nước mưa xử lý thô cung cấp cho dân, nước đã qua sử dụng tái chế lại để sử dụng, nước biển khử muối để sử dụng và nước nhập khẩu từ Malaysia). Chính vì tầm quan trọng của nước nên Cơ quan quản lý nước của Singapore trước đây quản lý nước, điện, ga, nay chỉ còn có chức năng quản lý chuyên về nước. Cơ quan quản lý nước của bạn có quan hệ, hợp tác rất tốt với Công ty cấp thoát nước TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phong Quang trao quà lưu niệm cho ngài Desmond Lee, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Singapore (bìa phải).

Tại Cơ quan phát triển Đô thị Singapore (URA), Đoàn đã được ông Seow Kah Ping, Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế của URA giới thiệu những kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, xây dựng phát triển đất nước Singapore, công tác quản lý, sử dụng và kinh doanh đất đai và phát triển nhà ở… Theo ông Ping, việc quy hoạch phát triển đô thị luôn được quốc gia này coi trọng, quy hoạch được dựa trên việc xác định nhu cầu cho từng khu vực, nhu cầu nguyện vọng của người dân, sự phát triển dân số… Cụ thể, ông Ping cho biết, năm 1971 Singapore có dân số khoảng 2 triệu người, nhưng trong quy hoạch phát triển lúc đó đã tính đến dân số 4 triệu người. Công tác quy hoạch xây dựng phát triển đô thị của Singapore gắn với quản lý sử dụng và kinh doanh đất đai, nhà ở được tiến hành theo quy trình gồm: quy hoạch dài hạn từ 30- 50 năm, quy hoạch tổng thể dựa trên quy hoạch dài hạn giai đoạn 10 - 15 năm, quy hoạch chi tiết diện tích, mật độ xây dựng, mục đích sử dụng đất… và quy hoạch chi tiết, trong 5 - 10 năm bao gồm kinh doanh đất đai và quản lý phát triển do các chủ đầu tư dự án trên các lô đất được giao quản lý thuê các tổ chức tư vấn để thực hiện. Công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch của Singapore được bạn tính toán rất chi tiết và kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ, 10 năm cho đánh giá lại một lần, để chỉnh sửa lại cho phù hợp.

Đoàn công tác cũng đã làm việc với ngài Desmond Lee, Bộ trưởng Bộ phát triển Quốc gia Singapore (MND). Ông đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc xây dựng và phát triển đất nước Singapore nói chung, về công tác quy hoạch, định hướng quy hoạch; công tác triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển đô thị, môi trường, cây xanh, cảnh quan; các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, đất đai để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Singapore thời gian qua và những dự kiến thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Phong Quang thay mặt Đoàn cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và mến khách của Ngài Bộ trưởng đã dành cho Đoàn, khẳng định những kinh nghiệm mà ngài Bộ trưởng vừa chia sẻ là nguồn thông tin vô cùng quý giá đối với Đoàn công tác. Đồng chí cũng đã thông tin về diện tích, dân số, điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của Chính phủ Việt Nam đối với huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới và một số thông tin về tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL. Đồng chí trân trọng mời Ngài Bộ trưởng, các đồng sự của Ngài và các doanh nghiệp Singapore trong năm 2015 sang thăm, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư vào Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam hoặc có thể mở rộng ra các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Ngài Bộ trưởng đánh giá cao về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua, cảm ơn và ghi nhận lời mời của đồng chí Nguyễn Phong Quang. Ông hứa sẽ làm cầu nối thúc đẩy sự hợp tác của doanh nghiệp hai nước và sẽ thu xếp sang thăm Phú Quốc, Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Giới thiệu "Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015"

Tại Malaysia, Đoàn công tác đã đến làm việc tại Trung tâm thương mại đầu tư, thuộc bang Selangor, một trong những bang phát triển và thịnh vượng nhất trong tổng số 13 bang của Malaysia với mức đóng góp 24% mỗi năm trong GDP của quốc gia này. Selangor cũng là bang thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài so với các bang khác của Malaysia, do cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, dịch vụ hỗ trợ tốt, có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế, thủ tục hành chính thông thoáng. Năm 1999, chính quyền bang Selangor thành lập Trung tâm thương mại đầu tư, chủ yếu tập trung hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ công tác đầu tư nước ngoài. Trung tâm cũng là đầu mối giúp các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục đầu tư vào Malaysia; đảm nhận vai trò hướng dẫn, thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của bang, thực hiện các thủ tục trên nhà đầu tư không phải tốn phí… Theo lãnh đạo Trung tâm, những năm trước đây Malaysia thu hút tất cả các nhà đầu tư đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, hiện nay chỉ thu hút đầu tư các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường...

Tiếp Đoàn công tác Tây Nam bộ trong cuộc làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp Malaysia là ông Tan ski, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Malaysia và các nhân viên tại đây. Ông Tan đã chia sẻ cùng Đoàn công tác thông tin về các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người nông dân, thông tin hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của Malaysia thời gian qua. Ông cho biết, tất cả các công ty của Malaysia đều tư nhân hóa, không có hợp tác xã, ngoại trừ một công ty được thành lập bởi Nguyên Thủ tướng Malaysia trước đây nhằm hỗ trợ những người nông dân khi khai thác các vùng kinh tế mới. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ hỗ trợ nông dân từ sản xuất đến đầu ra sản phẩm. Ông Tan cho biết, hàng năm Malaysia nhập số lượng rất lớn thịt bò, dê, gà…, vì thế với thế mạnh đất đai rộng lớn và nông nghiệp, chăn nuôi rất phát triển của các địa phương vùng ĐBSCL, ông Tan tin tưởng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Malaysia và các địa phương trong vùng thời gian tới.

Cùng với việc giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các ngành, lĩnh vực kêu gọi đầu tư của vùng ĐBSCL, nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Phong Quang đã giới thiệu về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL. Thông qua Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, đồng chí Nguyễn Phong Quang mời ngài Tan ski, các đồng sự của ngài và các doanh nghiệp của Malaysia sang tham dự "Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL năm 2015" tại TP Cần Thơ. Ông Tan Ski cám ơn, cho biết sẽ sang Việt Nam để tham dự hoạt động này.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Phong Quang, chuyến công tác tại Singapore và Malaysia của Đoàn đã thực hiện đúng theo lịch trình thời gian, các nghi thức ngoại giao của ta và bạn. Chuyến công tác đã thu được một số kết quả cụ thể: học hỏi được nhiều kinh nghiệm về công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch tổng thể, chi tiết về phát triển giao thông, đô thị; quản lý sử dụng, kinh doanh đất đai, nhà ở; quản lý môi trường, cây xanh, cảnh quan và quản lý, sử dụng nước; các cơ chế chính sách ưu đãi liên quan đến đất đai, thuế doanh nghiệp, tài chính tín dụng, thuế hải quan để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài nhằm giúp đưa ra những chính sách phù hợp để phát triển đảo Phú Quốc trong tương lai. Qua chuyến công tác cũng đã quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, các lĩnh vực thu hút đầu tư, hợp tác của vùng ĐBSCL nói chung và huyện đảo Phú Quốc nói riêng; giới thiệu về MDEC đến Chính phủ và các doanh nghiệp Singapore và Malaysia. Đồng chí Nguyễn Phong Quang cũng kiến nghị, đề xuất Trung ương cho phép và tạo điều kiện cho BCĐ TNB, Tổ Công tác nghiên cứu, cơ chế chính sách phát triển đảo Phú Quốc, Kiên Giang tiếp tục tổ chức đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về quy hoạch phát triển đảo, phát triển đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài của một số nước phát triển trên thế giới phù hợp với định hướng phát triển đảo Phú Quốc, Kiên Giang và vùng ĐBSCL trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: BÍCH LIÊN

Chia sẻ bài viết