10/08/2012 - 14:07

Hoang sơ Tả Phình

Đường vào động Ti Ổ Cẩm.

Trên đường về thành phố Lào Cai cách thị trấn Sa Pa 4km rẽ vào con đường nhựa nhỏ (cùng thuộc tỉnh Lào Cai) một đỗi sẽ đến đường vào bản Tả Phình. Trước khi vào bản có trạm phu phí mỗi người một vé 20.000 đồng. Được biết trạm thu phí tu bổ đường vào bản. Đường vào bản dài 18km, một bên là thung lũng, bên dưới có những thửa ruộng bậc thang đang xanh màu lá mạ hình vòng cung không đều ôm sát lưng đồi. Xa tít là những khoảnh xanh um những nương ngô (bắp) trên sườn núi đá.

Cách trung tâm bản Tà Phình chừng 500 mét đã thấy lạ, khoảng 50 phụ nữ với những mái tóc trùm kín trong chiếc nón hoặc khăn đỏ. Các cô các chị trang phục màu xanh đen có nhiều hoa văn đỏ và trắng ở cổ, vạt và tà áo với thắt lưng, xà cạp và giày dép theo truyền thống của đồng bào Dao Đỏ. Đặc biệt phụ nữ Dao Đỏ đều cạo sạch một phần trán và chân mày.

Dao Đỏ là dân tộc đông thứ hai sau người Mông ở Sa Pa. Cả hai tộc này có cùng nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc). Họ di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 18 đến những năm 1940. Dịp Tết cổ truyền của người Việt cũng là dịp người Dao Đỏ ăn mừng “Tết nhảy” của họ, rất sống động.

Xe vừa dừng lại, đã thấy những phụ nữ Dao Đỏ chỉ trỏ vào, từng người một trong xe. Thì ra họ “xí phần” giành khách để bán hàng thổ cẩm. Họ đeo những chiếc ba lô đeo lưng, mang theo áo khoác du lịch, khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, có cả những chiếc ví đựng máy ảnh kỹ thuật số và bao điện thoại di động. Sản phẩm có nhiều giá tùy theo lớn nhỏ, có nhiều hoa văn cầu kỳ hay đơn giản... Giá thấp nhất 10.000 đồng/sản phẩm, cao nhất đến hàng triệu đồng như đôi bông tai bằng bạc, chạm khắc tinh xảo.

Chúng tôi vào Nhị Xà quán ở trung tâm Tả Phình. Đoàn đã điện thoại đặt cơm trước. Chủ quán là một anh chàng người Việt, đẹp trai, chưa vợ, miệng dẻo quẹo, xăng xái dọn thức ăn lên bàn, gồm một dĩa thịt heo cắp nách kho, một dĩa thịt gà bản xào sả, một tô canh thịt nấu măng và trái sấu lấy vị chua, cùng một thố cơm. Anh ta hào phóng tặng chúng tôi một dĩa lòng lợn và chai rượu san lùng đặc sản vùng cao phía Bắc. Một suất (người) ăn hết 80.000 đồng. Ăn xong, ai muốn nghỉ ngơi thì lên gác nằm lấy sức.

Rời quán cơm, chúng tôi mỗi người được nhiều người Dao Đỏ “hộ tống”. Họ nói tiếng Việt khá sỏi, biết nói cả tiếng Anh “bồi” khi giao tiếp với khách nước ngoài. Họ đeo bám không rời để bán thổ cẩm đang cầm trên tay hoặc đựng trong tay nải. Đặc biệt ngoài các phụ nữ già, lớn tuổi còn có nhiều thiếu nữ trẻ tuổi chừng 14 như con nít, địu sau lưng đứa nhỏ mặt mày đen nhẻm. Hỏi mới biết là con của các cô. Đồng bào Dao Đỏ có tục tảo hôn nên các cô gái ở tuổi 13 đã có chồng.

Con đường đất vào Tả Phình không một bóng cây, nhưng hai bên đường là những thửa ruộng xanh ngăn ngắt chia làm nhiều ô nhỏ rất đẹp mắt. Đi chừng 1km thì mọi người tới một chân núi cao, có một hang động người địa phương gọi là Ti Ổ Cẩm. Trước cửa động, có khắc 6 chữ Hán trên cao: “Đại Bình Tả Thanh Long Động”. Trả 5.000 đồng để vào động sẽ có người cầm đèn đưa khách tham quan. Ti Ổ Cẩm là một hang động rộng lớn, vào hang, trong ánh sáng đèn, khách như lạc vào cõi tiên, mê đắm chiêm ngắm những thạch nhũ có nhiều hình thù kỳ lạ. Có thạch nhủ như một vị tiên đang múa điệu Nghê Thường hay nhiều thạch nhũ tạo thành quần thể tiên đang đàm đạo nơi chốn bồng lai, hoặc tụ lại thành một rừng cây lấp lánh những sắc màu kỳ ảo...

Dù xây dựng khai thác du lịch chưa hoàn thiện, nhưng Tả Phình cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan vì nét hoang sơ lạ lẫm. Khách từ miền xuôi lên. Khách từ phương Tây đến. Ai thích thú thưởng ngoạn phong cảnh và sinh hoạt của đồng bào Dao Đỏ hiền hòa. Trong ánh nắng, mấy cụ bà ngồi bên hiên nhà, chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho chiếc thổ cẩm trên tay. Thoáng thấy khách lạ, các bà cụ nầy nhoẻn nụ cười bày ra mấy chiếc răng bịt đồng vàng chóe.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Đường vào động Ti Ổ Cẩm.

Chia sẻ bài viết